Dịch thuật: Thuỷ Hoàng Đế Doanh Chính - Hoang dâm bạo quân, phần thư khanh nho

 

THUỶ HOÀNG ĐẾ DOANH CHÍNH

HOANG DÂM BẠO QUÂN, PHẦN THƯ KHANH NHO

          Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇về chính trị hăng hái lo toan việc nước, quả thực khiến đất nước Trung Quốc phát sinh sự biến hoá to lớn. Rất nhiều cách tân của ông đều sản sinh ảnh hưởng sâu xa đến các vương triều đời sau. Nhưng, Tần Thuỷ Hoàng nửa đời nhung mã hoàn toàn không phải là một vị đế vương hiền minh, ông lớn lên trong sóng gió quỷ quyệt nơi cung vi, cũng căn bản không có lòng nhân ái.

          Tần Thuỷ Hoàng tính cách tàn bạo, dùng nghiêm hình tuấn pháp để trị nước, ông đối với bách tính hoặc triều thần, động một tí là giết, đến mức giết người nhiều vô kể. Đồng thời ông lại tham lam xa xỉ, cho rằng mình là bậc đế vương vô thượng, cần phải hưởng thụ những thứ tốt có trong thiên hạ. Vì thế, ông xây nhiều cung thất biệt quán, thu về mĩ nhân kì trân dị bảo. Trong cung A Bàng 阿房 mà ông cho xây dựng đã có đến cả ngàn vạn gian phòng, mĩ nhân thì vô số, trân bảo như ngói chất cao như núi, ông còn cho xây dựng cho mình một lăng mộ cực lớn tại Li Sơn 骊山, có thể nói là thiên hạ đệ nhất lăng.

          Sự hoang dâm của hoàng đế đã mang đến cho bách tính tai nạn to lớn. Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, nhân khẩu Trung Quốc có hơn 30 triệu. Chỉ việc xây cung A Bàng và mộ ở Li Sơn đã trưng dụng hơn 1, 40 triệu sức lao động mạnh khoẻ. Lại xây thêm Trường thành, tạo cung quán, xây li cung ... vương triều Tần trường kì động dụng 3 triệu nhân lực trở lên. Binh dịch, dao dịch nặng nề như thế, đã đè nặng nhân dân không có cách nào thở được.

          Sự hoang dâm tàn bạo của Tần Thuỷ Hoàng, rất nhanh chóng đã kích động sự phản kháng của nhiều người. Một số quý tộc của sáu nước may mắn tồn tại, luôn hận ông thấu xương tuỷ, nhiều lần phái người hành thích, còn quảng đại bách tính vừa mới thoát khỏi chiến loạn cát cứ đã phải rơi vào vực sâu bạo chính, họ khổ mà không thốt nên lời, đều nguyền rủa Tần Thuỷ Hoàng chết sớm, triều Tần mau diệt vong. Tần Thuỷ Hoàng bản tính đa nghi, luôn sợ có người mưu đồ tính mạng và giang sơn của ông, cho nên không tín nhiệm người nào, cũng thường bắt bóng bắt gió, lạm sát người vô tội. Trên triều đường, bất kì người nào cũng không thể đến gần, ngay cả đới đao hộ vệ cũng phải cách ra xa.

          Thuỷ Hoàng chuyên chế, một số sĩ nhân không có cách nào thi triển hoài bão, họ cũng bất mãn mạnh mẽ đối với chính sách chính trị của triều Tần. Đối mặt với sự chỉ trích của sĩ nhân, Tần Thuỷ Hoàng áp dụng kiến nghị của Thừa tướng Lí Tư 李斯, triểu khai trong toàn quốc hoạt động “phần thư” 焚书 đại quy mô. Ông hạ lệnh đem thư tịch lịch sử ngoài Tần kỉ 秦纪 ra thiêu huỷ, đem Thi , Thư và thư tịch của bách gia trong thiên hạ thiêu huỷ toàn bộ, trừ sách vở mà quan bác sĩ tàng trữ, chỉ giữ lại sách về y dược, bói toán và nông nghiệp.

          Nhưng “phần thư” cũng không bịt được miệng của sĩ nhân, ngược lại, sự chuyên chính tàn bạo của ông đã gây nên sự căm phẫn mạnh mẽ của người dân, nghị luận của sĩ nhân cũng tăng chứ không giảm. Tần Thuỷ Hoàng không kềm được cơn giận, phái ngự sử đi điều tra, kết quả tra ra hơn 460 người “phạm cấm”. Toàn bộ những người này bị đưa đến một hang sâu ở Li Sơn chôn sống, nhân vì trong số đó nho sinh rất nhiều, cho nên sự kiện đó sử gọi là “khanh nho” 坑儒.

          Phần thư khanh nho, dùng thủ đoạn tàn bạo trấn áp bách tính, đã gây ra sự oán hận càng lớn của bách tính. Đương thời tại đất Sở lưu truyền câu ca dao “Sở tuy tam hộ, vong Tần tất Sở” 楚虽三户, 亡秦必楚 (Sở dù chỉ còn ba hộ, nhưng diệt Tần nhất định là Sở). Còn có người tại một khối đá lớn khắc lên hàng chữ “Thuỷ Hoàng tử nhi địa phân” 始皇死而地分 (Tần Thuỷ Hoàng chết đi, đất nước lại bắt đầu bị phân chia). Những sự việc đó lại dẫn đến việc Tần Thuỷ Hoàng càng tàn sát một cách hung bạo. Dưới bạo chính của ông, sự phản kháng của bách tính cũng càng mãnh liệt, con đường triều Tần diệt vong đã bắt đầu như thế.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 01/10/2021

Nguồn

TRUNG QUỐC HOÀNG ĐẾ TOÀN TRUYỆN

中国皇帝全传

Tác giả : Thiện Tùng 善从

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2011.

Previous Post Next Post