Dịch thuật: "Thi kinh" - Nền tảng kiên cố nhất của thi ca Trung Quốc

 

“THI KINH”

NỀN TẢNG KIÊN CỐ NHẤT CỦA THI CA TRUNG QUỐC 

          “Thi kinh” 诗经 là bộ tổng tập thi ca đầu tiên của Trung Quốc, nguyên danh là “Thi” hoặc “Thi tam bách” 诗三百, thu thập 305 thiên thi ca từ những năm đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu tổng cộng hơn 500 năm, là ngọn nguồn của văn học chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc. Từ thời Hán Vũ Đế 汉武帝triều Hán, Nho gia nổi lên tôn làm kinh điển, nhân đó xưng là “Thi kinh”.

Phong , nhã , tụng

          “Thi kinh” lúc ban đầu đều là ca từ phối với nhạc mà hát, bảo lưu được hình thức kết hợp thi ca, âm nhạc, vũ đạo thời cổ, nhưng trong quá trình lưu truyền lâu dài, nhạc phổ và vũ đạo thất truyền chỉ còn lại thi ca. Tác giả của nó bao gồm các giai tầng nhân sĩ từ quý tộc đến bình dân trong xã hội, nhưng tuyệt đại đa số đã không còn nghe nói đến.

          Thi kinh theo đặc sắc của âm nhạc phân ra làm ba bộ phận: phong , nhã , tụng .

          Phong : cũng gọi là “quốc phong” 国风, là những bài ca dao của 15 khu vực thu thập lại, tổng cộng 160 thiên, chiếm gần một nửa các thiên chương của Thi kinh, là bộ phận tinh hoa, tác giả đa số là các ca sĩ dân gian. Nhiều thiên thi của phong bắt nguồn từ hiện thực xã hội, miêu tả trực tiếp những cảm thụ chân thực của cuộc sống, không tô vẽ, đậm không khí sinh hoạt. Trong đó có cảnh lao động vui vẻ, như “Thập mẫu chi gian” 十亩之间:

Thập mẫu chi gian hề, tang giả nhàn chi hề

十亩之间, 桑者闲之兮

(Trong khoảng mười mẫu kia, người hái dâu qua lại tự đắc)

          Cũng có nỗi oán hận đối với sự áp bức và bóc lột của chủ nô lệ, như “Thạc thử” 硕鼠:

Thạc thử thạc thử, vô thực ngã thử

硕鼠硕鼠, 无食我黍

(Chuột lớn chuột lớn, chớ ăn lúa của ta)

          Cũng có những niềm vui của trái gái hò hẹn, như “Tĩnh nữ” 静女:

Tĩnh nữ kì xu, sĩ ngã vu thành ngung. Ái nhi bất kiến, tao thủ trì trù.

静女其姝, 俟我于城隅. 爱而不见, 搔首踟蹰

(Người con gái u nhàn xinh đẹp, hẹn đợi ta ở góc thành. Yêu nàng mà không gặp, ta gãi đầu, bước đi lững thững)

          Cũng có nỗi thống khổ  của đôi trai gái yêu nhau nhưng bị cha mẹ cản trở, như “Thương Trọng Tử” 将仲子:

Thương Trọng Tử hề, vô du ngã lí, vô chiết ngã thụ khỉ. Khởi cảm ái chi? Uý ngã phụ mẫu.

          将仲子, 无逾我里, 无折我树杞. 岂敢爱之? 畏我父母

          (Xin chàng Trọng Tử, chớ vượt qua làng của em, chớ bẻ cây khỉ của em. Há em dám yêu thương gì cây ấy, chỉ vì sợ cha mẹ của em)

          Nhã : Đại bộ phận là nhạc ca của xã hội thượng tầng dùng để diễn xướng khi cử hành các điển lễ hoặc yến hội, tổng cộng có 105 thiên, phân ra làm Đại nhã 大雅 31 thiên và Tiểu nhã 小雅 74 thiên. Đại nhã là âm nhạc trần thuật khuyến giới khi quốc quân tiếp nhận thần hạ triều bái. Nội dung dường như đều liên quan đến phương diện chính trị, có thiên tán tụng chính tích của người tốt, có thiên phúng thích tệ đoan. Tính tư tưởng của nó không giông như Phong, nhưng lại ở một giác độ khác phản ánh một cách chân thực một vài trắc diện nào đó của cuộc sống xã hội.

          Tụng : Có tổng cộng 40 thiên, chủ yếu là nhạc ca của Chu Vương và chư hầu dùng trong tế tự hoặc những điển lễ trọng đại khác, nội dung của nó đa phần tuyên dương thiên mệnh, ca tụng công đức tổ tiên, trong đó có một bộ phận là vũ khúc. Tụng thi đa phần là những thuyết giáo trống rỗng trừu tượng, thiếu tính hình tượng và cái đẹp âm luật.

Phú , tỉ , hứng

          Phú, tỉ, hứng là ba loại thủ pháp biểu hiện cơ bản của Thi kinh, hợp cùng với phong, nhã, tụng gọi là “lục nghĩa” 六义của  “Thi kinh”, là nét đặc sắc dân tộc trong sáng tác văn học Trung Quốc, để thi nhân các đời học tập và phát triển.

          Phú : Chính là phô trần bày tỏ thẳng, tức con người đem tư tưởng tình cảm cùng với sự việc liên quan biểu đạt trực tiếp. Như Bội phong – Kích cổ 邶风 - 击鼓 có câu:

Tử sinh khiết khoát, dữ tử thành thuyết. Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão.

死生契阔, 与子成说. 执子之手, 与子偕老

          (Bất luận sống chết, chúng ta đều ở bên nhau, đó là ước định mà chúng ta đã nói từ buổi ban đầu. Kiếp này nắm tay chàng vĩnh viễn gắn bó, mãi chẳng phân li cùng nhau sống đến già)

          Tức trực tiếp biểu đạt tình cảm của mính.

          Tỉ : Chính là ví, dùng một sự vật ví với một sự vật khác. Trong Thi kinh, ví được vận dụng rất rộng, như Bội phong – Cốc phong 邶风 - 谷风 có câu:

Thái phong thái phỉ, vô dĩ hạ thể

采葑采菲,无以下体

(Hái rau phỉ rau phong, há lại không lấy phần rễ)

          Ý nói không nên có mới mà quên đi ơn cũ.

          Trong Tiểu nhã – Hạc minh 小雅 - 鹤鸣 dùng câu:

Tiên sơn chi thạch, khả dĩ công ngọc

仙山之石,可以攻玉

Để ví trị quốc nên dùng người hiền, đều là những dẫn chứng hay của việc dùng “tỉ” trong Thi kinh.

          Hứng : Tức khởi hứng, chính là mở đầu một bài thơ hoặc một chương thơ, trước tiên miêu tả không khí tương ứng tạo nên cảnh tượng, sau đó dẫn xuất nội dung cần viết trong thơ, là thủ pháp tương đối độc đáo trong thi ca Trung Quốc. Như Chu Nam – Hán quảng 周南 - 汉广 là bài thơ viết về chàng trai mong gặp được phối ngẫu nhưng thất vọng, chương đầu viết:

Nam hữu kiều mộc, bất khả hưu tức. Hán hữu du nữ, bất khả cầu tư

南有乔木, 不可休息. 汉有游女, 不可求思

(Kiều mộc ở Nam sơn đã lớn lại cao, dưới gốc không thể nghỉ ngơi hóng mát. Trên sông Hán có du nữ, muốn truy cầu mà không thể)

          Lấy việc kiều mộc chỉ có thể nhìn mà không thể nghỉ, khởi hứng cho việc du nữ chỉ có thể mong nhìn mà không thể cầu.

          Và như bài Đào yêu 桃夭:

Đào chi yêu yêu, chước chước kì hoa. Chi tử vu quy, nghi kì thất gia

桃之夭夭, 灼灼其华. 之子于归, 宜其室家

          (Cây đào xanh tốt kia, trổ nhiều hoa đỏ, người con gái đó xuất giá, có thể khiến gia đình chồng hoà thuận)

          Dùng hoa đào để tỉ hứng, mùa xuân hoa đào nở rộ, là mùa cực tốt cho nam nữ thanh niên kết hôn. Thi nhân xưa nhân thấy trước mắt khởi hứng, mà tán thán nết hiền dịu của cô gái, biết chắc cô ấy sẽ thuận hoà với gia đình chồng. ... 

                                                                                      (còn tiếp)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 08/10/2021

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC THI CA TỐI KIÊN CỐ ĐÍCH CƠ THẠCH

“THI KINH”

中国诗歌最坚固的基石

诗经

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post