Dịch thuật: Những người được xưng là "long" "hổ" "cẩu" trong lịch sử Trung Quốc

 

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC XƯNG LÀ “LONG” “HỔ” “CẨU”

TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC

          Trong lịch sử, Chư Cát Lượng 诸葛亮 (1) thời Tam Quốc cùng với huynh trưởng của ông là Chư Cát Cẩn 诸葛瑾, người em họ Chư Cát Đản 诸葛诞từng được người ta lần lượt khen tặng là long, hổ, cẩu. Cuối đời Thanh đầu thời Dân Quốc, Vương Sĩ Trân 王士珍, Đoàn Kì Thuỵ 段祺瑞, Phùng Quốc Chương 冯国璋trong nhóm quân phiệt Bắc Dương 北洋 cũng từng có xưng hiệu long, hổ, cẩu. Nhưng chỉ có long, hổ cẩu của ba anh em Chư Cát Lượng là nhã hiệu khen tặng, còn long, hổ, cẩu trong nhóm quân phiệt Bắc Dương là xước hiệu nửa khe nửa chê mà người ta tặng cho.

          Ba anh em Chư Cát Lượng đều là danh sĩ kì tài,  bác học đa tài, túc trí đa mưu, đức hạnh cao thượng ở thời Tam Quốc. Họ lần lượt hiệu trung với ba nước Thục, Ngô, Nguỵ, đồng thời nhân vì công tích nổi bật nên có được chức vị cao. Chư Cát Lượng là Thừa tướng nhà Thục Hán, được phong làm Vũ Hương Hầu 武乡侯; Chư Cát Cẩn làm quan đến chức Đại tướng quân của nước Ngô, được phong làm Uyển Lăng Hầu 宛陵侯; Chư Cát Đản nhậm chức Trấn đông Đại tướng quân của nước Nguỵ, được phong làm Cao Bình Hầu 高平侯.

          Người ta khen Chư Cát Lượng là “long”, đương nhiên là nhân vì đức tài của ông đứng đầu trong số ba anh em. Sự tích Long Trung đối sách 龙中对策của ông mang màu sắc truyền kì. Ông cúc cung tận tuỵ, phẩm cách của ông sau khi ông mất càng khiến người ta kính mộ. Sử thư nói ông “danh thuỳ vũ trụ” 名垂宇宙, cho nên xưng ông là “long” quả là không hổ thẹn với xưng hiệu đó.

          Chư Cát Cẩn trung với Tôn Quyền 孙权, tài lược tuy không bằng Chư Cát Lượng, nhưng ông hoằng nhã đại độ, tài trí hơn người. Tôn Quyền xem ông là “thần giao” 神交, đại sự quân chính đều thương lượng cùng với ông, có tác dụng quan trọng. Cho nên người đời sau xưng ông là “hổ”, cũng là xác đáng.

          Chư Cát Đản được xưng là “cẩu”, hoàn toàn không phải mang ý nghĩa châm biếm, mà là ví lòng trung liệt và sự nhanh nhẹn lanh trí của ông. Tài trí của Chư Cát Đản tuy thua hai huynh trưởng, nhưng ông hiệu trung với nước Nguỵ, cũng biểu hiện được tài năng xuất phàm của ông, nhiều lần lập kì công. Chư Cát Đản giỏi dùng người, rất được bộ hạ yêu mến. Cuối cùng, Chư Cát Đản vì bảo vệ chính quyền nước Nguỵ, phản đối Tư Mã Chiêu 司马昭 soán quyền, binh bại nên tự sát, bộ tốt mấy trăm người của ông bị kẻ địch lần lượt giết hại từng người một, không ai chịu đầu hàng, đều nói vì Chư Cát công mà chết cũng không ân hận.

          Vương Sĩ Trân 王士珍, Đoàn Kì Thuỵ 段祺瑞, Phùng Quốc Chương 冯国璋trong nhóm quân phiệt Bắc Dương 北洋 vốn đều là cao tài sinh của Thiên Tân võ bị học đường 天津武备学堂, trước sau được tiến cử đến dưới tay Viên Thế Khải 袁世凯, giúp Viên Thế Khải luyện binh. Cả ba người đều xuất thân khoa bảng, Đoàn Kì Thuỵ và Phùng Quốc Chương từng ở nước ngoài, Vương Sĩ Trân tuy không từng ở nước ngoài nhưng cũng tinh minh lão thành. Cho nên về việc binh đều giỏi. Một tướng lĩnh người Đức sau khi xem qua ba người thao luyện binh đã rất ngợi khen. Từ đó, danh tiếng của ba người vang dội, được khen là “Bắc Dương tam kiệt” 北洋三杰. Từ đó về sau, ba người đều phát tích, chức quan ngày càng cao, đến các chức Tổng thống, Tổng Lí, Tổng trưởng.

          Ba người tuy phát tích trong quân, nhưng tính cách bẩm phú không giống nhau, xử sự làm người cũng có đặc điểm khác nhau, người ta căn cứ vào đặc điểm của họ, lần lượt dùng long, hổ, cẩu để gọi họ.

          Vương Sĩ Trân giỏi mưu lược mà không lộ, mới nhìn qua thấy ông cẩn thận sợ sự việc, nhưng thực tế lòng dạ không thô thiển. Đầu thời Dân Quốc, chính sự rối ren, Vương Sĩ Trân có thể lúc ẩn lúc hiện trên chính đàn giống như rồng trong đám mây mù, cho nên người ta gọi ông là “long”.

          Đoàn Kì Thuỵ biện sự năng nổ, nhưng tính khí nóng nảy, thường ra uy, cho nên người ta gọi ông là “Bắc Dương hổ” 北洋虎.

          Phùng Quốc Chương tính cách mềm mỏng ít quyết đoán, gặp việc rụt cổ rụt đuôi, lại tham lam ham tiền tài, nhưng ông ta khiêm tốn hoà khí, quảng kết thiện duyên, gặp việc gì cũng đều không có chủ kiến, cứ nhìn vào Viên Thế Khải. Cho nên, người ta đặt cho ông xưng hiệu là “Bắc Dương khuyển” 北洋犬.

Chú của người dịch

1- Về tên nhân vật 诸葛亮:

- Với chữ

          - Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “Chư”. (trang 630)

          - Trong Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan cũng chỉ có âm “Chư”. Và ở nét nghĩa số 11 ghi rằng: Họ người (Chư Cát Lượng 诸葛亮, tức Khổng Minh đời Tam quốc). (trang 1339)

          - Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có các âm đọc như sau:

          * Đường vận 唐韻, Quảng vận 廣韻 phiên thiết là “chương ngư” 章魚.

Tập vận 集韻, Loại thiên 類篇, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều có phiên thiết là “ chuyên ư” 專於, đọc như chữ nhưng bình thanh. Âm đọc này có nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa là họ kép.

          Hựu phức tính. “Hán thư” hữu Chư Cát Phong. “Tam quốc chí” hữu Chư Cát Lượng.

          又複姓. “漢書有諸葛豐. “三國志有諸葛亮.

          (Họ kép. Trong “Hán thư” có Chư Cát Phong. “Trong “Tam quốc chí” có Chư Cát Lượng)

         * Quảng vận 廣韻  phiên thiết là “chính xa” 正奢 . Tập vận 集韻  phiên thiết là “chi xa” 之奢, đều có âm là (già), cũng là một họ.

          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1146, 1147).

          Như vậy tên gọi đúng của nhân vật là Chư Cát Lượng, nhưng mọi người quen đọc là Gia Cát Lượng.

                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                     Quy Nhơn 13/10/2021

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ

中国人名的故事

Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年

               Trương Dĩnh Chấn  张颖震

Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005

Previous Post Next Post