Dịch thuật: Nguồn gốc danh xưng tỉnh, thị, khu tự trị hiện hành của Trung Quốc (kì 1)

NGUỒN GỐC DANH XƯNG TỈNH, THỊ, KHU TỰ TRỊ

 HIỆN HÀNH CỦA TRUNG QUỐC

(kì 1) 

          Từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập đến nay, sự phân chia khu vực hành chính cũng có không ít những thay đổi. Đến hiện nay, cả nước có 23 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc, 5 khu tự trị, và 2 khu vực hành chính đặc biệt, tổng cộng có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bắc Kinh 北京: Gọi tắt là “Kinh” , thời cổ gọi là “Kế” , nước Yên đầu thời Tây Chu kiến đô ở đây, cho nên xưng là “Yên Kinh” 燕京. Thời Chiến Quốc là thượng đô của nước Yên. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thống nhất Trung Quốc, đặt là quận Quảng Dương 广阳. Đời Hán thuộc Yên Vương 燕王, phong địa của Quảng Dương Vương 广阳王. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, có dạo là trung tâm thống trị của nước Tiền Yên 前燕 Mộ Dung Thị 慕容氏tộc Tiên Ti 鲜卑. Triều Tuỳ đổi gọi là “U Châu” 幽州, đời Đường đã trở thành một trọng trấn quân sự phương bắc, trị sở của Tiết độ sứ Phạm Dương 范阳đặt tại nơi này. Niên hiệu Hội Đồng 会同 nguyên niên của triều Liêu (năm 938), nước Liêu do tộc Khất Đan 契丹 kiến lập đổi U Châu 幽州 thành U Đô phủ 幽都府, lập làm Nam Kinh 南京, làm bồi đô; năm 1012 đổi gọi là “Tích Tân phủ” 析津府, sau triều Tuỳ, nước Kim của tộc Nữ Chân 女真dời đô đến đây, xưng là “Trung Đô” 中都. Triều Nguyên diệt Kim, lấy nơi đây làm đô thành, đổi gọi là “Đại Đô” 大都. Chu Nguyên Chương 朱元璋 công diệt triều Nguyên, kiến đô tại Nam Kinh 南京, đổi Đại Đô  大都 của triều Nguyên làm “Bắc Bình phủ” 北平府, phong con là Chu Đệ 朱棣 làm Yên Vương 燕王. Năm 1403, Chu Đệ xưng đế, đổi gọi là “Bắc Kinh” 北京, chẳng bao lâu dời đô về đây. Danh xưng Bắc Kinh bắt đầu từ đó, đến nay đã hơn 600 năm. Sau này, quân Thanh vào quan trung, lấy nơi đây làm đô. Thời Dân Quốc 民国 có dạo gọi lại là “Bắc Bình” 北平. Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, Bắc Bình trở thành thủ đô, đổi gọi là “Bắc Kinh”, là thành phố trực thuộc chính phủ trung ương.

          Thiên Tân 天津: Gọi tắc là “Tân” , nguyên ở giữa biển, đến sau đời Tuỳ mới lộ khỏi mặt nước, dần hình thành khu vực mà giao thông nam bắc tất phải qua. Đời Tống gọi là “Trực Cô Trại” 直沽寨, đời Nguyên đã thành cảng khẩu, tàu thuyền qua lại không dứt, nhân khẩu tập trung lại thành trấn, có tên là “Hải Tân trấn” 海津镇, tức thông đến bến ở giữa biển. Theo truyền thuyết, đầu đời Minh, Yên Vương Chu Đệ 朱棣 khởi binh tiến về Nam Kinh 南京đoạt ngôi, thống lĩnh quân từ đây tiến về phía nam , nhân vì thiên tử “độ tân” 渡津 (vượt bến” ở đây, nên ban cho tên gọi là “Thiên Tân” 天津. Đầu đời Thanh, Thiên Tân đã trở thành trọng trấn quân sự trọng yếu bảo vệ kinh sư. Cuối đời Thanh, Viên Thế Khải 袁世凯 nhậm chức Tổng đốc Trực Lệ 直隶 kiêm Bắc Dương đại thần 北阳大臣, lấy nơi đây là trung tâm chính trị. Thời kì Quốc Dân đảng thống trị, Thiên Tân là thành phố trực thuộc. Sau khi nước Trung Hoa mới thành lập, ban đầu thuộc tỉnh Hà Bắc 河北, sau đổi làm thành phố trực thuộc trung ương.

          Thượng Hải 上海: Đất gần biển, nghề đánh bắt cá thịnh vượng, ngư dân sử dụng một loại ngư cụ tên là “hộ” , cũng được gọi là / (hộ), cho nên Thượng Hải gọi tắt là “Hộ” . Thời Xuân Thu thuộc Ngô, thời Chiến Quốc là phong địa của Xuân Thân Quân Hoàng Hiết 春申君黄歇 nước Sở, cho nên cũng gọi là “Thân” . Tên gọi “Thượng Hải” 上海 bắt đầu từ thời Tống, nhân vì đương thời hải thuyền qua lại, nhân khẩu tập trung đông, tại một nơi gọi là “Thượng hải phố” 上海浦 để giao dịch mua bán, nên có tên là “Thượng Hải” 上海. Thời Nam Tống, thiết lập “Thị bạc đề cử ti” 市舶提举司 tại nơi đây để quản lí tàu thuyền qua lại. Niên hiệu Chí Nguyên 至元 thứ 18 triều Nguyên (năm 1291) chính thức lập huyện, triều Minh xây dựng tường thành để phòng oa khấu 倭寇 (giặc lùn), đời Thanh thiết lập Giang Hải quan 江海关, Binh bị đạo 兵备道, để tăng cường quản lí mậu dịch và phòng bị quân vụ. Sau chiến tranh nha phiến, bị mở làm bến cảng thông thương, làm vườn vui chơi cho kẻ xâm lược phương tây. Thời Quốc Dân đảng đã quy hoạch thành thành phố trực thuộc trung ương, hiện vẫn là thành phố trực thuộc.

          Trùng Khánh 重庆: Ở vào phía đông nam thung lũng Tứ Xuyên 四川, Trường giang 长江và Gia lăng giang 嘉陵江 uốn lượn nơi đây, cho nên gọi là “Giang Châu” 江州. Đầu đời Chu là Ba quốc 巴国, nhân vì thời Tuỳ, Đường, Tống ba lần là trị sở của Du Châu 渝州, nên gọi tắt là “Du” . Tên gọi “Trùng Khánh” 重庆có hai thuyết:

          - Trùng Khánh thời Bắc Tống là Cung Châu 恭州, Quang Tông 光宗 nhà Nam Tống trước khi kế vị, vào năm Hiếu Tông Thuần Hi 孝宗淳熙 thứ 16 (năm 1189), được phong ở nơi đây, năm đó lại được thụ nhượng tức đế vị, thế là lấy ý “song trùng khánh hạ” 双重庆贺, đổi Cung Châu 恭州  làm “Trùng Khánh phủ” 重庆府.

          - Nhân vì Trùng Khánh ở vào khu vực Thiệu Khánh 绍庆và Thuận Khánh 顺庆, hợp song khánh làm tên phủ.

Năm 1939 Quốc Dân đảng quy hoạch làm thành phố trực thuộc, khi Trung Quốc mới thành lập vẫn là thành phố trực thuộc, sau quy hoạch thuộc về tỉnh Tứ Xuyên 四川. Ngày 14 tháng 3 năm 1997, hội nghị lần thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 8 đã phê chuẩn đem các thành phố Vạn Huyện 万县, Kiềm Giang 黔江,  Bồi Lăng 涪陵 và khu vực quy hoạch nhập vào thành phố Trùng Khánh 重庆, thiết lập thành phố Trùng Khánh trực thuộc trung ương....

                                                                                     (còn tiếp)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 27/10/2021

Nguyên tác Trung văn

HIỆN HÀNH TỈNH, THỊ, TỰ TRỊ KHU DANH XƯNG ĐÍCH DO LAI

现行省市自治区名称的由来

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017 

Previous Post Next Post