Dịch thuật: Chữ "trá" 詐 trong Hán ngữ cổ (Vương Lực)

 

CHỮ “TRÁ” TRONG HÁN NGỮ CỔ

          Không thành thực, hư nguỵ. Trong Luận ngữ - Tử hãn 論語 - 子罕 có câu:

Cửu hĩ tai, Do chi hành trá dã.

久矣哉, 由之行詐也

 (Trọng Do đã từ lâu đã làm sự việc giả trá này rồi)

          Chú ý: “Trá” thường được cho là phản diện của nhân nghĩa.

          Trong Quá Tần luận 過秦論 của Giả Nghị 賈誼có câu:

Tiên trá lực nhi hậu nhân nghĩa

先詐力而後仁義

(Trước tiên là trá nguỵ quyền lực, sau mới đến nhân nghĩa)

          Trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史記 - 淮陰侯列傳:

Thường xưng nghĩa binh bất dụng trá mưu kì kế

常稱義兵不用詐謀奇計

(Thường nói rằng, đội quân chính nghĩa không trá mưu lạ kế)

          Tăng Củng 曾鞏 trong Chiến quốc sách mục lục tự 戰國策目錄序viết rằng:

Mưu trá dụng nhi nhân nghĩa chi lộ tắc.

謀詐用而仁義之路塞

(Sử dụng mưu trá nên đường nhân nghĩa bị tắc)

          Và:

Cố luận trá chi tiện nhi huý kì bại

故論詐之便而諱其敗

(Cho nên bàn về chỗ tiện lợi của trá nguỵ, tránh những chỗ bại không bàn tới)

          Dẫn đến nghĩa “nói dối”, gạt.

          Trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt truyện 史記 - 淮陰侯列傳:

Truy Tín, trá dã.

追信, 詐也

(Đuổi theo Hàn Tín là nói dối)

          Và:

Hạng Vương trá khanh Tần hàng tốt nhị thập dư vạn

項王詐阬秦降卒二十餘萬

(Hạng Vương lừa chôn sống hơn hai chục vạn hàng quân của Tần)

          Và:

Ngô hối bất dụng Khoái Thông chi kế, nãi vi nhi nữ tử sở trá.

吾悔不用蒯通之計,乃為兒女子所詐

(Ta hối hận không theo kế của Khoái Thông, bị đàn bà con trẻ dối gạt)

          Trong Hậu Hán thư – Ban Siêu truyện 後漢書 - 班超傳:

Nãi triệu thị Hồ trá chi viết

乃召侍胡詐之曰

(Bèn gọi một người nước Thiện Thiện phục vụ Hán sứ đến, nói gạt với y rằng)

          Chú ý: Thời cổ chưa có chữ “” (phiến: lừa gạt), phàm có ý nghĩa là “phiến” đều nói thành “trá” .

Phân biệt “trá” , “nguỵ”

          Về ý nghĩa không thành thực thì “trá” và “nguỵ” là từ đồng nghĩa. Nhưng “trá” thường được xem là phản diện của nhân nghĩa, có thể thấy ý nghĩa của “trá” tương đối nặng hơn. Về ý nghĩa là “nói dối”, thì chỉ có thể dùng “trá” mà không thể dùng “nguỵ” . 

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 05/9/2021

Nguyên tác Trung văn trong

CỔ ĐẠI HÁN NGỮ

古代漢語

(tập 3)

Chủ biên: Vương Lực 王力

Trung Hoa thư cục, 1998.

Previous Post Next Post