Dịch thuật: Đặc điểm dân tộc của văn hoá Trung Quốc

 

ĐẶC ĐIỂM DÂN TỘC CỦA VĂN HOÁ TRUNG QUỐC

          Văn hoá cũng như con người, có hai đặc điểm đó là ngoại tại và nội tại. Đặc điểm ngoại tại là hình dáng, tức hình thái của nó; đặc điểm nội tại là phẩm tính của nó, tức tinh thần. Về hai phương diện này, các học giả trong và ngoài nước có cách nhìn khác nhau. Nói một cách khái quát, đặc điểm ngoại tại của nó có 4 phương diện:

          1- Tính thống nhất của văn hoá. Đây là nói văn hoá Trung Quốc trong sự phát triển lấy văn hoá Hoa Hạ 华夏 (tức văn hoá Hán sau này) của thời viễn cổ làm hạt nhân, đồng thời hấp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc trong cả nước, hình thành một thể thống nhất. “Thể thống nhất này đã phát huy tác dụng đồng hoá mạnh mẽ, ở bất cứ thời khắc nào trong lịch sử Trung Quốc cũng đều chưa từng bị phân chia, tan rã. Cho dù trong bước ngoặt tồn vong nguy cấp của nội ưu ngoại hoạn, trong tình hình chính trị hỗn loạn, đất nước bị phân chia, nó vẫn luôn giữ được sự hoàn chỉnh và thống nhất. Đặc trưng này trong hoá của bất kì dân tộc nào trên thế giới cũng khó mà tìm  thấy được.” (Lí Trung Hoa: “Trung Quốc văn hoá khái luận” 李中华: “中国文化概论”) Ví dụ, thời Tam Quốc ở thế kỉ thứ 3 và thời Nam Bắc triều ở thế kỉ thứ 4 đến thế kỉ thứ 6, chính quyền tuy phân liệt, đối lập, nhưng văn hoá lại thống nhất.

          2- Tính liên tục của văn hoá. Đây là nói văn hoá Trung Quốc trong lịch sử không có phát sinh hiện tượng gián đoạn, từng vòng nối từng vòng hướng về phía trước phát triến, không giống như văn hoá Ai Cập, văn hoá Babylon và văn hoá Hi Lạp đã phát sinh sự gián đoạn và bỏ trống, phát sinh sự gián cách và nhảy vọt. “Nhị thập tứ sử” của Trung Quốc đã đem nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử của mấy ngàn năm ghi chép một cách rõ ràng, cho đến năm 43 trước công nguyên phát sinh chấm đen trên mặt trời mà chúng ta có thể biết, năm 613 trước công nguyên xuất hiện sao chổi v.v... Văn học cũng như vậy, từ Thi kinh 诗经, Sở từ 楚辞, tản văn thời Tiên Tần, Hán Nguỵ thi phú đến Đường thi , Tống từ, Nguyên khúc, Minh Thanh tiểu thuyết, cứ nối tiếp nhau liên tục. Thi kinh诗经 - tác phẩm văn học ở thế kỉ thứ 5 trước công nguyên, đến nay chúng ta vẫn có thể đọc hiểu, nhiều câu thơ trong đó vẫn còn là ngôn ngữ sinh hoạt của chúng ta.

          3- Tính bao dung của văn hoá. Đây là nói văn hoá Trung Quốc có khả năng thu nhận tất cả, hấp thu dung nạp các hạt nhân văn hoá khác nhau. Có thể nói, “hữu dung nãi đại” 有容乃大 (Vì có dung nạp nên to lớn) mãi luôn là bản sắc của văn hoá Trung Quốc. Bách gia chư tử thời Xuân Thu Chiến Quốc trong khi “tranh minh” đã có thể tiếp nhận sở trường bổ sung sở đoản, hỗ tương dung hợp, văn hoá dân tộc Hán cũng có thể trường kì hấp thu văn hoá của các dân tộc thiểu số chung quanh, đối với văn hoá dị chất ngoại lai cũng mở rộng tấm lòng rộng lớn, hấp thu có chọn lọc. Như sớm vào thế kỉ thứ 1 trước công nguyên, Trung Quốc đã hấp thu văn hoá Phật giáo của Ấn Độ, sau đó lại hấp thu văn hoá Cơ Đốc giáo 基督教 và văn hoá Y Tư Lan giáo 伊斯兰教 (Islam - ND), Trung Quốc còn có văn hoá Đạo giáo của riêng mình. Tại Trung Quốc, các tôn giáo khác nhau đều có thể chung sống hài hoà, có thể ảnh hưởng và hấp thu qua lại. Cho dù giữa chúng có những tranh luận sôi nổi, nhưng cũng không gây nên sự xung đột kịch liệt, càng không bao giờ diễn biến thành chiến tranh. Sau khi cải cách mở cửa, Trung Quốc càng mở rộng lòng đón nhận văn hoá đến từ các nơi trên thế giới.

          4- Tính đa dạng của văn hoá. Đây là nói văn hoá Trung Quốc trong tính thống nhất có tính đa dạng, trong tính chỉnh thể có tính sai dị. Chỉ cần dạo bước đến các nơi ở Trung Quốc, sẽ phát hiện văn hoá các nơi tồn tại sự sai dị nhất định. Ví dụ, toàn Trung Quốc thông hành Hán tự và tiếng phổ thông, nhưng phương ngôn các nơi rất khác nhau, các nơi đều có biểu diễn hí khúc, nhưng hí khúc phương nam du dương uyển chuyển, như cầu nhỏ nước xuôi, còn hí khúc phương bắc cao vang mạnh mẽ, như núi cao đồng rộng. Về tổng thể các món ngon của Trung Quốc gọi là “Trung Quốc thái” 中国菜, toàn quốc có để 8 hệ lớn, mùi vị hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, Trung Quốc còn có văn hoá các dân tộc thiểu số phong phú nhiều màu sắc,  có thể nói sắc màu tươi đẹp, mỗi văn hoá đều có nét đặc sắc riêng. ..... (còn tiếp)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 11/9/2021

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ ĐÍCH DÂN TỘC ĐẶC ĐIỂM

中国文化的民族特点

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post