Dịch thuật: Ôn thần là vị thần nào

 

ÔN THẦN LÀ VỊ THẦN NÀO 

          Ôn thần 瘟神là vị thần chủ về ôn dịch trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, cũng gọi là “Dịch thần” 疫神, “Ôn quỷ” 瘟鬼, “Dịch quỷ” 疫鬼.

Theo Thái Ung 蔡邕 trong Độc đoán 独断: Chuyên Húc Thị 颛顼氏có người con, sinh ra nhưng chết hoá thành quỷ, cư trú bên sông nước, làm “Ôn quỷ”.

Theo Tam giáo sưu thần đại toàn 三教搜神大全: Năm Khai Hoàng 开皇thứ 11 đời Tuỳ (năm 591), có Ngũ ôn thần hiện ra, tức Xuân ôn Trương Nguyên Bá 春瘟张元伯, Hạ ôn Lưu Nguyên Đạt 夏瘟刘元达, Thu ôn Triệu Công Minh 秋瘟赵公明, Đông ôn Chung Sĩ Quý 冬瘟钟仕贵, Tổng quản Trung ôn Sử Văn Nghiệp 总管中瘟史文业, thế là năm đó ôn dịch lưu hành, Văn Đế 文帝 bèn lập miếu, phong Ngũ ôn thần làm Tướng quân, sau Khuông Phụ Chân Nhân 匡阜真人thu phục Ngũ ôn thần làm bộ tướng. Thời Tuỳ Đường, đều tế Ôn thần vào mùng 5 tháng 5.

Thuyết xua đuổi ôn dịch bắt nguồn từ rất sớm. Theo Chu lễ 周礼ghi chép:

          Phương Tướng thị 方相氏đội da gấu, mang mặt nạ có 4 mắt đúc bằng vàng, thân trên mặc áo đen phía dưới mặc xiêm đỏ, tay cầm cái qua tay kia giương cao cái thuẫn, thống lĩnh quần lệ bốn mùa trừ nạn, tìm dịch quỷ trong nhà để xua đuổi.

          Thời Hán, trước ngày Lạp một ngày, làm lễ Đại Na 大傩, gọi đó là “trục dịch”. Thời trước vùng Giang Nam 江南có tục dùng thuyền giấy thắp đuốc tống Ôn thần. Trong Chính thống đạo tạng 正统道藏 có thu thập các loại kinh thư có lên quan đến “ngự ôn” 御瘟, “đoạn ôn” 断瘟, “từ ôn” 辞瘟...

Chú của người dịch

1- Thời cổ ngày mùng 8 tháng Chạp là ngày Lạp.

2- Đại Na 大傩: “Na” là nghi thức xua đuổi dịch quỷ.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 06/8/2021

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post