Dịch thuật: Tiết Nhân Quý tam tiễn định Thiên sơn

 

TIẾT NHÂN QUÝ TAM TIỄN ĐỊNH THIÊN SƠN 

          Tiết Nhân (Nhơn) Quý 薛仁贵là tướng lĩnh nổi tiếng thời Đường Thái Tông 唐太宗 và Đường Cao Tông 唐高宗, có thể nói chiến công hiển hách, lập công lao hãn mã cho sự ổn định thống nhất của Đại Đường, đồng thời cả một đời cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi. Tiết Nhân Quý chỉ với 3 phát  tên mà ổn định được Thiên sơn 天山, có sức uy nhiếp được quân địch, khiến quân địch chỉ mới nghe hơi gió đã khiếp đảm, không dám đến xâm phạm.

          Thời Trinh Quán 贞观, Đường Thái Tông 唐太宗phát binh chinh phạt Liêu Đông. Có một lần, quân hai bên đối trận, một viên tướng Liêu vô cùng dũng mãnh, mấy chiến tướng dưới tay Lí Thế Dân 李世民 không phải là đối thủ của y. Họ từng người từng người thay nhau ra trận, nhưng đều không có cách nào chế phục được tướng Liêu, toàn bị bại trận.

          Ngày hôm sau, viên tướng Liêu đó dẫ binh đến khiêu chiến, thủ hạ của Đường Thái Tông không có ai dám ứng chiến. Trong lúc Đường Thái Tông lo lắng, bỗng thấy một quân nhân trẻ, thân mặc chiến bào sắc trắng từ trong đội ngũ bước ra, tự nguyện đồng ý đi ứng chiến.

          Đường Thái Tông hỏi:

          - Khanh tên là gì?

          Tiết Nhân Quý đáp:

          - Bẩm cáo hoàng thượng, mạt tướng tên là Tiết Nhân Quý.

          Tiết Nhân Quý vốn là nông dân, nhà rất nghèo. Nhưng Tiết Nhân Quý từ nhỏ đã yêu thích võ công, nhất là cưỡi ngựa bắn cung, cả người đầy bản lĩnh. Lúc Đường Thái Tông chinh Liêu, Tiết Nhân Quý ghi danh tham quân, tác chiến vô cùng dũng cảm, nhiều lần lập được chiến công.

          Đường Thái Tông lại hỏi:

          - Khanh có nhìn thấy tướng Liêu kia dũng mãnh lạ thường không, mấy đại tướng của chúng ta đều không phải là đối thủ của y.

          Tiết Nhân Quý đáp rằng:

          - Tướng Liêu kia võ công quả thực dũng mãnh lạ thường, nhưng không phải là không thể phá được; ông ta mỗi lần giao chiến đều giống như liều mình, nguyên nhân chủ yếu được thắng lại ở chỗ khí thế chiếm thế thượng phong.

          Đường Thái Tông nhìn quân nhân mà mình vốn xem thường, quả là tại trận tiền rất bình tĩnh, nhân đó vô cùng tán thưởng, lại hỏi:

          - Khanh dựa vào đâu để chiến thắng?

          Tiết Nhân Quý đáp lại chỉ với 4 chữ:

Tiên thanh đoạt nhân

先声夺人

          Đường Thái Tông tán đồng gật đầu.

          Chỉ thấy Tiết Nhân Quý tay cầm phương thiên hoạ kích, bên hông đeo cũng tiễn, vỗ ngựa mà đi, giống như một trận gió lớn từ dưới đất bốc lên. Tướng Liêu đến khiêu chiến kia chưa kịp phản ứng, Tiết Nhân Quý đã xông tới, dung phương thiên hoạ kích đâm thẳng vào cổ y.

          Tướng Liêu bị Tiết Nhân Quý đâm ngã ngựa, phút chốc mệnh đã “ô hô”. Tiết Nhân Quý thừa thế xông vào quân địch, đâm ngang đâm dọc, không ai có thể kháng cự lại nỗi.

          Sau khi chiến đấu kết thúc, Đường Thái Tông triệu kiến Tiết Nhân Quý ghi công đầu, thăng làm Hữu lãnh quân Trung lang tướng 右领军中郎将.

          Sau khi Lí Thế Dân qua đời, chín họ Đột Quyết 突厥 lại đến quấy nhiễu biên cương, Đường Cao Tông Lí Trị 李治bèn phái Tiết Nhân Quý đi bình định biên loạn. Tiết Nhân Quý thống lĩnh đội quân đến Thiên sơn 天山, sau khi đóng hạ doanh trại, chuẩn bị cho ngày hôm sau sẽ giao chiến cùng 9 họ Đột Quyết.

          Chín họ Đột Quyết xuất hơn 10 vạn binh, như bầy ong ào tới. Tiết Nhân Quý không hề hoảng loạn, điều binh khiển tướng ứng chiến.

          Chín họ Đột Quyết phái tướng sĩ kiêu dũng nhất ra khiêu chiến. Ba viên tướng dẫn đầu đều lưng cọp, eo gấu, mặt mũi hung ác dị thường. Bọn họ khẩu xuất cuồng ngôn mắng Tiết Nhân Quý, khí thế vô cùng hung bạo.

          Tiết Nhân Quý chẳng nói chẳng rằng, nhảy lên ngựa giương cung, bắn liền 3 phát, 3 viên hãn tướng kêu lên một tiếng ngã ngựa mà chết. Hơn 10 vạn đại quân của chín họ Đột Quyết phút chốc hỗn loạn, lũ lượt bỏ chạy về phía sau. Tiết Nhân Quý sớm đã bố trí phục binh tại một sơn cốc, nơi mà quân Đột Quyết tháo lui tất phải đi qua. Khi bọn chúng chạy lui đến sơn cốc, các cung thủ hai bên núi nhất tề phát hàng vạn mũi tên, quân địch người nhào ngựa ngã.

          Chín họ Đột Quyết bị uy vũ dũng mãnh, túc trí đa mưu của Tiết Nhân Quý nhiếp phục, biểu thị bằng lòng quy thuận Đại Đường. Tiết Nhân Quý đồng ý chín họ Đột Quyết đầu hàng.

          Tiết Nhân Quý toàn thắng, khải hoàn trở về, trong quân hát vang rằng:

Tướng quân tam tiễn định Thiên sơn

Chiến sĩ trường ca nhập Hán quan

将军三箭定天山

战士长歌入汉关

(Tướng quân chỉ với ba phát tên mà ổn định được Thiên sơn

Chiến sĩ ca vang trở về quan ải nhà Hán)

          Về sau Tiết Nhân Quý lại liên tiếp đánh hạ 40 thành Phù Dư 扶余 (nay là Nông An 农安Cát Lâm 吉林), thăng nhậm Đại tướng quân大将军, còn được phong là Bình Dương Quận Công 平阳郡公.

          Triều Đường từ Đường Thái Tông 唐太宗đến Võ Tắc Thiên 武则天, đều rất chú ý xử lí  tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số với các quốc gia chung quanh, vừa kiên quyết đánh thế lực cát cứ cùng sự xâm phạm của các lân quốc, vừa duy trì hoà bình. Biện pháp trọng yếu nhất trong đó chính là thiết lập 6 đô hộ phủ ở khu vực biên cương, phụ trách quản lí sự vụ biên phòng, hành chính và dân tộc của  địa phương mình quản hạt, duy trì hiệu quả sự ổn định vùng biên cảnh của vương triều  Đại Đường.

                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 07/7/2021

Nguyên tác Trung văn

TIẾT NHÂN QUÝ TAM TIỄN ĐỊNH THIÊN SƠN

薛仁贵三箭定天山

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 5)

中国历史故事

Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐

Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post