PHẠM LÃI
(kì 4)
SỰ NGHIỆP ĐÀO CHU, BA LẦN BỐ THÍ CHO
THIÊN HẠ
Ảnh hưởng
của Phạm Lãi trong lịch sử Trung Quốc, ngoài việc ông có tài năng quân sự cao
siêu ra, còn phải nhắc đến năng lực kinh thương tinh minh của ông. Sự cường thịnh
của nước Việt và thương nhân có quan hệ rất lớn, những thương nhân này chủ yếu
chỉ Việt thương 越商 (thương nhân nước Việt).
Văn Chủng,
đại thần nước Việt từng truyền dạy Câu Tiễn thuật thảo phạt nước Ngô.
Thuật thứ 1:
Quý địch túc cảo dĩ không kì bang
贵籴粟稿以空其邦
Chính là đề cao giá cả lương thực để kho lương nước
Ngô trống không, khiến nước Ngô không có lương thực dự trữ, đợi đến khi giao
chiến nước Ngô nhân đó dễ bị bại vong.
Thuật
thứ 2:
Bang gia phú nhi bị khí lợi
邦家富而备器利
Làm cho nước Việt phú cường để có đầy đủ vật tư dùng
trong chiến tranh.
Thuật
thứ 3:
Trọng tài tệ dĩ di kì quân
重财币以遗其君
Dùng tiền tài để làm tê liệt Ngô Vương.
Thuật
thứ 4:
Quý kì du thần, sử chi dị phạt
贵其谀臣, 使之易伐
Dùng tài vật mua chuộc trọng thần nước Ngô.
Ngoài
ra nước Việt còn có trọng thần Kế Nhiên 计然,
Kế Nhiên là sư phụ của Phạm Lãi. Kế Nhiên dâng lên Việt vương 5 kế sách để thôn
tính nước Ngô. Sách lược của Kế Nhiên chủ yếu là một số lí niệm kinh thương
cùng sách lược trị quốc. Kế sách Kế Nhiên dâng lên Việt Vương có:
Hạn tắc tư châu, thuỷ tắc tư xa, vật chi lí
dã. Lục tuế nhương, lục tuế hạn, thập nhị tuế nhất đại cơ. Phù thiếu, nhị thập
bệnh nông, cửu thập bệnh mạt. Mạt bệnh tắc tài bất xuất, nông bệnh tắc thảo bất
tịch hĩ. Thướng bất quá bát thập, há bất giảm tam thập, tắc nông mạt câu lợi,
bình thiếu tề vật, quan thị bất phạp, trị quốc chi đạo dã. Tích trước chi lí, vụ
hoàn vật, vô tức tệ. Dĩ vật tương mậu, dị hủ bại nhi thực chi hoávật lưu, vô cảm
cư quý. Luận kì hữu dư bất túc, tắc tri quý tiện. Quý thướng cực tắc phản tiện,
tiện há cực tắc phản quý. Quý xuất như phấn thổ, tiện thủ như châu ngọc. Tài tệ
dục kì hành như lưu thuỷ.
旱则资舟, 水则资车, 物之里也. 六岁穰, 六岁旱, 十二岁一大饥. 夫粜, 二十病农, 九十病末. 末病则财不出, 农病则草不辟矣. 上不过八十, 下不减三十, 则农末俱利, 平粜齐物, 关市不乏, 治国之道也. 积著之理, 务完物, 无息币, 以物相贸, 易腐败而食之货勿留, 无敢居贵. 论其有余不足,
则知贵贱. 贵上极则反贱, 贱下极则反贵. 贵出如粪土, 贱取如珠玉. 财币欲其行如流水.
(Lúc hạn hán thì mua thuyền,
lúc nước lớn thì mua xe, đó là phù hợp với quy luật phát triển của sự vật. Nhìn
chung, cứ 6 năm thì được mùa, 6 năm thì bị hạn, 12 năm thì bị đói kém một lần.
Phàm xuất bán lương thực, giá mỗi đấu 20 tiền thì nông dân bị tổn thất, giá mỗi
đấu 90 tiền thì thương nhân bị tổn thất. Thương nhân mà tổn thất thì tiền tài
không thể lưu thông, nông dân mà bị tổn thất thì ruộng đồng sẽ hoang vu. Giá
lương thức cao nhất không quá 80 tiền, thấp nhất không dưới 30 tiền, thế thì
nông dân và thương nhân đều được lợi. Lương thực bình giá xuất bán, đồng thời
điều chỉnh vật giá các thứ khác, thuế thu được và thị trường đều không thiếu thốn,
đó là đạo trị quốc. Còn như tích trữ hàng hoá, cốt ở chỗ hàng hoá hoàn hảo,
không nên vì nhu cầu lợi tức. Mua bán hàng hoá, phàm những loại dễ hư hỏng
không nên để lâu, chớ mạo hiểm tích trữ để chờ cao giá. Nghiên cứu tình hình
thương phẩm quá dư hoặc thiếu thốn, phải biết đạo lí mắc rẻ. Vật giá cao đến cực
điểm, thì sẽ trở nên rẻ mạt; vật giá rẻ đến cực điểm sẽ trở nên cao quý. Khi
giá cao đến cực điểm nên kịp thời bán ra, xem như phấn thổ; khi giá rẻ đến cực
điểm nên kịp thời mua vào, xem như châu ngọc. Sự lưu thông tiền tệ luân chuyển
xoay vòng như nước chảy vậy.)
(Dịch
theo https://zhidao.baidu.com/question/16030263)
Năm 478
trước công nguyên, Việt Vương thống lĩnh quân Việt đột kích nước Ngô, hai bên đại
chiến tại Lạp Trạch 笠泽, quân Ngô hoảng hốt tháo chạy,
quân Việt phía sau la hét truy kích, thắng lợi ở trước
mắt. Năm 475 trước công nguyên, quân Việt bao vây thành Cô Tô 姑苏, bao vây suốt 3 năm. Đến năm 473 trước công nguyên,
quân Ngô lương thực bị đứt tuyệt, Phù Sai nấp trên núi Cô Tô. Quân Việt công
phá thành Cô Tô giống như nước triều tràn vào.
Ngô
Vương Phù Sai đến trước mặt Việt Vương Câu Tiễn, cầu xin:
- Thần Phù Sai, từng tại núi Cối Kê đắc tội với
đại vương, nhưng Phù Sai không dám trái thiên mệnh, vì thế đạ vương được phục
quốc. Mong đại vương xá miễn tội cho thần.
Việt
Vương Câu Tiễn nhìn thấy bộ dạng Phù Sai như thế, nghĩ đến tình cảnh của mình
năm nào, định đáp ứng thỉnh cầu của Phù Sai, Phạm Lãi liền can rằng:
- Sự việc năm đó, là ý trời đem nước Việt giao
cho nước Ngô, nhưng nước Ngô không tiếp nhận, không thể oán người khác được. Đại
vương đã mưu tính 22 năm, cuối cùng có cơ hội chiếm lấy nước Ngô. Lẽ nào ngài
cũng định trái ý trời sao? Trời ban cho ngài món đồ, nếu ngài không nhận, thì đừng
có trách trời vô tình. ....
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/7/2021
Nguyên tác
PHẠM LÃI
范蠡
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.