Dịch thuật: Vọng phu thạch (Lưu Vũ Tích)

 

望夫石

终日望夫夫不归

化为孤石苦相思

望来已是几千载

只似当时初望时

                                                                                        刘禹锡 

VỌNG PHU THẠCH (1)

Chung nhật vọng phu phu bất quy

Hoá vi cô thạch khổ tương ti (tư)

Vọng lai dĩ thị kỉ thiên tải

Chỉ tự đương thì sơ vọng thì

                                                                       (Lưu Vũ Tích)

ĐÁ VỌNG PHU

Ngày đêm trông ngóng chồng mà chồng không thấy trở về

Cuối cùng hóa thành khối đá lẻ loi mang nỗi khổ tương tư

Nàng ấy đợi chồng đã mấy ngàn năm rồi

Vẫn cứ đứng nơi đây trông ngóng như lúc ban đầu 

Lời nói đầu

          “Vọng phu thạch” là tác phẩm của văn học gia Lưu Vũ Tích thời Đường. Bài thơ bám chắc đề mục, cả bài lấy chữ “vọng” để viết thành, mượn câu chuyện truyền thuyết một người phụ nữ ngày đêm trông ngóng chồng mà hoá đá, biểu đạt tâm tình bức thiết của tác giả ngày đêm mong được trở về kinh thành. Ngôn ngữ bài thơ chất phác, hàm ý sâu xa, dùng thủ pháp phản phục vịnh thán, đột ngột hiện ra chủ đề, đã tái hiện một cách hình tượng “tư quy chi tình” 思归之情  (lòng mong muốn được trở về) của tác giả, hàm ý biểu đạt ý chí kiên trinh của ông.

Chú thích

1- Vọng phu thạch 望夫石: Tên một cổ tích. Thuộc truyền thuyết dân gian, nói về một người phụ nữ ngày đêm đứng trông ngóng chồng mà hoá đá. Ở đây chỉ “Vọng phu thạch” ở Đương Đồ 当涂 An Huy 安徽.

2- Tải : Có bản là (tuế)

3- Thì : Có bản là (niên)

Phân tích và thưởng thức

          Toàn bài thơ bám chắc đề mục, cả bài lấy chữ “vọng” để viết thành. Chữ “vọng” xuất hiện 3 lần, ý thơ cũng được đẩy lên 3 bậc. Câu 1 và câu 2 từ truyền thuyết của “vọng phu thạch” nhập đề, đó là bậc thứ nhất. “Chung nhật” tức suốt cả ngày từ sáng đến tối, lại hàm ý ngày này qua ngày khác, thời gian dài lâu. Có thể thấy thâm tình xuyên suốt của chữ  “vọng” ; “vọng phu” mà “phu bất quy”, đó là nguyên nhân hoá đá của người phụ nữ. Chữ “phu” lặp lại hình thành kiểu đính châm, tức chữ cuối câu trước mở đầu cho câu sau, ý thì chuyển mà thanh thì liền, cảm thấy tiết tấu chậm rãi, ý vận du dương. Câu thứ hai sức nặng ở ba chữ “khổ tương tư”, chính là “hoá vi thạch, bất hồi đầu” 化为石, 不回头 (có hoá thành đá cũng không chuyển lòng) (Vương Kiến 王建: Vọng phu thạch 望夫石), biểu hiện lòng kiên trinh của người phụ nữ đối với tình yêu.

          Câu 3 “Vọng lai dĩ thị kỉ thiên tải” 望来已是几千载 so với “chung nhật vọng phu” 终日望夫 ý tứ tiến thêm một bậc. Vọng phu thạch nơi đầu núi, gió mưa chẳng lay chuyển, mấy ngàn năm như một, thể hiện sự bám chặt vào tình yêu. Đề ý “vọng phu” đến đây tựa hồ vô cùng lâm li cùng tận, đâu biết rằng sau khi viết “kỉ thiên tải” 几千载 (mấy ngàn năm), câu cuối lại đột nhiên xuất hiện hai chữ “sơ vọng” 初望 (lần đầu trông ngóng). Điều này ngoài ý muốn, nhưng lại tận tình nhập lí. Do bởi “sơ vọng” tâm tình bức thiết nhất, viết  “vọng cửu” như “sơ vọng” đã có sức biểu hiện sự chân thành và sâu đậm của nỗi tương tư. Ở đây xuất hiện chữ “vọng” thứ 3, thi tình đã đến một cao độ mới. Tầng bậc của câu 3 và câu 4 có mối quan hệ tiến dần, nhưng thông qua sự hô ứng “dĩ” và hư từ “chỉ tự” 只似 đã cho người đọc một cảm xúc liền mạch.

          Bài thơ ngụ ý sâu sắc. Sau khi phong trào cách tân thời Vĩnh Trinh 永贞 thất bại, Lưu Vũ Tích đã gặp phải sự đả kích và bức hại trên trường chính trị, lúc bị đày đi xa, lòng tưởng nhớ đến kinh thành luôn bức thiết. Bài thơ này mượn vịnh vọng phu thạch để kí thác tình hoài, thi ý không phải ở tại đề bài. Cùng thời gian với bài này còn có “Lịch Dương thư sự thất thập vận” 历阳书事七十韵, trong đó hai câu:

Vọng phu nhân hoá thạch

Mộng Đế nhật hoàn doanh (2)

望夫人化石

梦帝日环营

(Trông ngóng chồng mà người hóa đá

Mơ Đế, mặt trời vây quanh doanh luỹ)

Chính là cước chú hay nhất cho bài thơ này. Dùng thuần thể tỉ, hàm ý sâu sắc, là đặc điểm đầu tiên khi viết bài thơ này.

         Bài thơ dụng ý tuy sâu nhưng ngôn ngữ lại chất phác, không hoa lệ. Chữ “vọng” ở toàn bài, trong quá trình lặp lại, thi ý đã từng bước hoá sâu.

          Thủ pháp phản phục vịnh thán thể hiện chủ đề, tái hiện một cách hình tượng “tư quy chi tình” của thi nhân, biểu đạt một cách hàm súc ý chí kiên trinh của tác giả. Liễu Tông Nguyên 柳宗元 trong bài “Dữ Hạo Sơ Thượng nhân đồng khán sơn kí kinh hoa thân cố” 与浩初上人同看山寄京华亲故 viết rằng:

Nhược vi hoá đắc thân thiên ức

Tán tác phong đầu vọng cố hương

若为化得身千亿

散作峰头望故乡

(Làm sao để thân này hoá thành thiên thiên vạn vạn

Sẽ tản ra đứng nới đầu núi trông ngóng về cố hương)

có ngụ ý tương đồng với bài thơ. Nhưng dụng ý “vọng cố hương” 望故乡của Liễu Tông Nguyên hiển lộ thi cảnh dùng hết tâm ý tạo nên; còn bài thơ này không trực tiếp nói “vọng cố hương”, mà thông qua tả người hoá đá “vọng phu”, đã truyền đạt một cách khéo léo. Dụng ý thì sâu mà lại có nét đẹp đơn giản trong sáng. Trần Sư Đạo 陈师道 nhân đó khen ngợi bài thơ rằng: “Ngữ tuy chuyết nhi ý công” 语虽拙而意工 (lời tuy vụng nhưng ý lại khéo léo). Đó cũng là một đặc điểm nữa của bài thơ.

Chú của người dịch

1- Tiêu đề bài thơ có tư liệu ghi là “Vọng phu sơn” 望夫山.

2- Nhật hoàn doanh 日环营: Tức nay là Mộng Nhật đình 梦日亭. Theo Tấn thư – Minh Đế kỉ 晋书 - 明帝纪 Vương Đôn truyện 王敦传 có chép:

          Thời Minh Đế 明帝 (Tư Mã Chiêu 司馬昭), Vương Đôn 王敦 định cử binh quy phụ trung nguyên, Đế biết được, bèn cưỡi tuấn mã, vi phục xuất hành đến Hồ Âm 湖阴, bí mật quan sát doanh luỹ của Vương Đôn. Đương lúc Vương Đôn ngủ ngày, nằm mộng thấy mặt trời vây quanh thành, kinh hải tỉnh dậy, bảo rằng: “Đó nhất định là Hoàng tu Tiên ti nô 黄鬚鮮卑奴 (xước hiệu của Tư Mã Chiêu) đến”. Vương Đôn bèn phái 5 kị binh truy tra tông tích của Đế. Đế đã nhanh chóng đi mất.

          Hai câu này biểu đạt tình cảm thi nhân nhớ đến kinh thành.

http://www.guoxue.com/?p=1896

3- Lưu Vũ Tích 刘禹锡 (năm 772 – năm 842): Văn học gia, triết học gia đời Đường. Tự Mộng Đắc 梦得, người Lạc Dương 洛阳 (nay thuộc Hà Nam 河南), tổ tịch Trung Sơn 中山 (nay là huyện Định 定河北 Hà Bắc), là hậu duệ tộc Hung Nô. Để tránh loạn An Sử, cả tộc dời về phía đông. Lưu Vũ Tích sinh ra tại Gia Hưng 嘉兴 (nay thuộc Chiết Giang 浙江). Năm 793 (năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 9), cùng Liễu Tông Nguyên 柳宗元 đậu Tiến sĩ, cùng tham gia phong trào cách tân vào năm Vĩnh Trinh 永贞 (năm 805 – năm 806), kết quả cùng bị biếm trích đi xa, chịu nhiều gian khổ. Lúc vãn niên về lại Lạc Dương, nhậm chức Thái tử Tân khách太子宾客, nhàn chức Bí thư giám 秘书监 phân ti Đông đô, sau gia thêm hàm Kiểm hiệu Lễ bộ Thượng thư 检校礼部尚书. Người đời gọi ông là Lưu Tân khách 刘宾客, Lưu Thượng thư 刘上书. Thơ của ông tinh luyện hàm súc, lúc sinh tiền nổi tiếng ngang với Bạch Cư Dị 白居易, thế xưng là “Lưu Bạch” 刘白. Bạch Cư Dị gọi ông là “Thi hào” 诗豪.

          Trong Tân Đường thư – Nghệ văn chí 新唐书 - 艺文志 có chép Lưu Vũ Tích tập 刘禹锡集 gồm 40 quyển.

https://baike.baidu.com/item/%E6%9C%9B%E5%A4%AB%E5%B1%B1%C2%B7%E7%BB%88%E6%97%A5%E6%9C%9B%E5%A4%AB%E5%A4%AB%E4%B8%8D%E5%BD%92/16969315?noadapt=1

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 26/6/2021

Nguồn

http://www.yuwenmi.com/shici/gushi/1273622.html

 

Previous Post Next Post