Dịch thuật: Sự ra đời và phát triển của tính thị (tiếp theo)

 

SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TÍNH THỊ

(tiếp theo)

          Tiến vào thời Tam đại Hạ, Thương, Chu, công năng của tính thị, ngoài để bảo lưu những khu biệt vốn có ra, nó lại còn mang sắc thái giai cấp đậm đặc, đặc biệt là “thị”, đều là do kẻ thống trị phong cho mà có.

          Như trong Tả truyện - Ẩn Công bát niên 左传 - 隐公八年 có ghi:

          Thiên tử kiến đức, nhân sinh dĩ tứ tính, tộ chi thổ nhi mệnh chi thị. Chư hầu dĩ tự vi thuỵ, nhân dĩ vi tộc; quan hữu thế công, tắc hữu quan tộc; ấp diệc như chi.

          天子建德, 人生以赐姓, 胙之土而命之氏. 诸侯以字为谥, 因以为族; 官有世功, 则有官族; 邑亦如之.

          Có nghĩa là, thiên tử lập một số người có đức làm chư hầu, căn cứ vào nơi sinh của họ mà ban cho tính, phân phong cho đất đai, đồng thời từ đó xác định thị hiệu của họ. Chư hầu lấy tự làm thuỵ hiệu, con cháu đời sau của họ sẽ dùng thuỵ hiệu làm thị; quan có công với đời, con cháu đời sau của họ sẽ lấy tên chức quan làm thị; những người có phong ấp cũng sẽ lấy ấp hiệu làm thị.

          Có thể thấy, “thị” lúc bấy giờ đã là tiêu chí của địa vị quý tộc, kẻ quý có thị, kẻ hèn không có thị. Quý tộc lúc bấy giờ đều là nam, cho nên nam có thị, nếu như phong ấp, quan chức hoặc nơi cư trú của ông ta phát sinh biến đổi, thì “thị” của ông ta cũng theo đó mà biến đổi. Như Thương Ưởng 商鞅 vốn là công tộc nước Vệ, có thể xưng là “Công Tôn Ưởng” 公孙鞅, mà cũng có thể xưng là “Vệ Ưởng” 卫鞅, về sau ông ta được phong ở đất Thương , cho nên cũng xưng là “Thương Ưởng” 商鞅. Đó chính là điều mà trong sử sách nói là “nam tử xưng thị dĩ biệt quý tiện” 男子称氏以别贵贱 (đàn ông xưng thị để phân biệt sang hèn).

          Còn như nữ, họ lúc ở nhà chỉ có thể dựa theo thứ tự lớn nhỏ trong nhà là Mạnh , Trọng , Thúc , Quý mà xưng hô với nhau. Ngoài ra, thời Tam đại Hạ, Thương, Chu thực hiện nghiêm túc chế độ “đồng tính bất hôn” (cùng một tính không được lấy nhau), nhân đó, người nữ khi xuất giá đều dùng tính để biểu thị huyết thống, trước tính dùng Mạnh , Trọng , Thúc , Quý , như Mạnh Khương 孟姜, Mạnh Cơ 孟姬, Trọng Cơ 仲姬 v.v... Gọi là “Mạnh Khương Nữ” 孟姜女, hoàn toàn không phải ý nghĩa là tính Mạnh , danh Khương Nữ 姜女, mà là trưởng nữ tính Khương . Người nữ sau khi xuất giá, có thể trước tính của mình đặt tên nước trước khi xuất giá, như sủng phi Bao Tự 褒姒  của Chu U Vương 周幽王, vốn tính Tự , đến từ nước Bao . Nếu như người được gả là quốc quân, thì cũng có thể trước tính của mình đặt tên nước mà mình được gả, ví dụ như thê tử của Vệ Trang Công 卫庄公 tính Khương , đến từ nước Tề, bà ta có thể gọi là “Tề Khương” 齐姜, mà cũng có thể gọi là “Vệ Khương” 卫姜, thậm chí sau khi Vệ Trang Công mất, còn có thể nhân thuỵ hiệu của Vệ Trang Công mà được xưng là “Trang Khương” 庄姜 hoặc “Vệ Trang

Khương” 卫庄姜. Hai nước Tấn và Lỗ đời Chu không thể thông hôn, bởi vì đều cùng tính Cơ; nhưng hai nước Tần và Tấn thì lại nối đời thông hôn, bởi vì nước Tần tính Doanh, thành ngữ “Tần Tấn chi hảo” nhân đó mà thành từ được dùng để chỉ hôn nhân. Đó chính là trong sử sách nói là “nữ tử xưng tính dĩ biệt hôn nhân” 女子称姓以别婚姻 (đàn bà xưng tính để phân biệt hôn nhân).

          Tính và thị hợp lại làm một, đại khái là vào khoảng thời Tần Hán. Khi Tư Mã Thiên 司马迁 soạn bộ Sử kí 史记, tính và thị cả hai không còn có sự khu biệt nào, như nói Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇nhân vì sinh ở đất Triệu , cho nên tính là Triệu thị 赵氏. Tổ tiên của Hạng Vũ 项羽 phong ở đất Hạng , cho nên tính là Hạng thị 项氏v.v... điều đó cho thấy sau khi tiến vào xã hội đại nhất thống của phong kiến, tính và thị nguyên có sự khu biệt đã không còn ý nghĩa nữa.  (hết)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 23/6/2021

Nguyên tác Trung văn

TÍNH THỊ ĐÍCH SẢN SINH DỮ PHÁT TRIỂN

姓氏的产生与发展

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post