PHẠM LÃI
(kì 3)
CHUẨN BỊ KĨ LƯỠNG, NHẤT CỬ ĐÁNH ĐỔ BÁ CHỦ
NƯỚC NGÔ
Năm 491
trước công nguyên, Phù Sai đích thân tiễn vợ chồng Việt Vương Câu Tiễn về lại
nước Việt. Trước lúc lên đường, Phù Sai nói với Phạm Lãi:
- Quả nhân từng nghe, ‘Hiền phụ không gả cho
nhà gia cảnh lụn bại, danh sĩ không làm quan cho nước bị tuyệt diệt.’ Nay, nước
Việt đã mất, tiên sinh sao không bỏ Việt mà về Ngô? Nếu mà được như thế, quả
nhân nhất định sẽ trọng nhậm.
Việt
Vương Câu Tiễn sợ Phạm Lãi sẽ thay đổi thái độ, không ngăn được rơi lệ. Chỉ
nghe Phạm Lãi nói rằng:
- Tội thần từng nghe, bề tôi của nước đã mất
không mưu đồ chính sự, tướng của đám bại quân không nói đến dũng khí. Thần tại
nước Việt chưa từng giúp Câu Tiễn hành thiện, nay không chết đã là thoả mãn lắm
rồi, sao còn dám mưu cầu phú quý?
Sau khi
Phù Sai tiễn Câu Tiễn ra khỏi thành, Phạm Lãi nói với Phù Sai rằng:
- Tội thần sẽ chọn ngày tốt khấu kiến đại
vương.
Sau khi
về đến nước Việt, Câu Tiễn muốn đem toàn bộ quốc chính giao cho Phạm Lãi quản
lí. Phạm Lãi từ chối nói rằng:
- Thao luyện binh mã, hành quân đánh trận, Văn
Chủng không bằng thần; nhưng trị lí quốc gia, vỗ yên bách tính thì thần lại
không bằng Văn Chủng.
Như vậy,
Câu Tiễn để Phạm Lãi phụ trách chỉnh đốn quân đội, để Văn Chủng tiếp tục trị lí
quốc gia.
Phạm
Lãi chỉnh đốn quân đội vô cùng chú trọng sách lược. Phạm Lãi biết rõ chiến thuyền
của nước Việt cùng kĩ thuật chiến xa mạnh hơn một chút so với các chư hầu quốc
khác, thế là dùng thời gian hai năm chuyên tâm huấn luyện một đội thuyền, một đội
quân. Tiếp đó, Phạm Lãi mời Câu Tiễn và văn võ đại thần tiến hành duyệt qua. Lần
duyệt này khiến Việt Vương nhìn thấy được hi vọng của mình. Sau duyệt binh, Phạm
Lãi nói với Việt Vương:
- Binh sĩ nước Việt sử dụng kiếm thuật cùng bản
lĩnh cung nỏ rất kém. Nếu muốn bù đắp hai phương diện đó, tất phải do danh sư đến
chỉ điểm cho họ. Nghe nói người ở khu vực Nam Lâm 南林sở trường kiếm kích, đặc biệt là kiếm thuật của một nữ
thanh niên rất cao siêu, danh tiếng của cô ta vang dội. Đại Vương có thể phái
người mời cô ta đến dạy kiếm thuật cho họ.
Quả
nhiên Việt nữ được mời đến, Việt Vương muốn thử kiếm thuật của cô ta, bèn hỏi rằng:
- Có thể địch lại mấy người?
Việt nữ
thẳng thắn đáp rằng:
- Có thể địch lại 10 người.
Việt
Vương nghe qua liền sai 10 kiếm sĩ thân cao sức mạnh, tỉ võ cùng Việt nữ. Việt
nữ vung múa kiếm trúc, trong vòng mấy hồi đã đánh bại 10 kiếm sĩ. Câu Tiễn nhìn
thấy, nói với Phạm Lãi:
- Phù Sai nhất định sẽ chết dưới lưỡi kiếm của
Việt binh.
Tiếp
đó, Phạm Lãi tinh tuyển một nhóm võ sĩ do đích thân Việt nữ chỉ dạy, sau đó những
võ sĩ này đi dạy lại cho những võ sĩ khác, cứ như vậy, 1 dạy 10, 10 dạy 100. Rất
nhiều binh sĩ đã học tốt thuật đánh kiếm. Ngoài ra, Phạm Lãi còn chuyên môn xây
dựng một “kiếm thành” 剑城 để làm nơi cho Việt nữ dạy kiếm. Chẳng bao lâu sau, Phạm
Lãi lại gọi đến một người nước Sở tên Trần Âm 陈音 dâng lên cho Việt
Vương, Trần Âm nổi tiếng trong thiên hạ về sử dụng cung tiễn. Việt Vương vui mừng
lệnh cho Trần Âm dạy thuật cung nỏ cho binh sĩ. Sau 3 tháng Trần Âm chuyên cần
truyền dạy, rất nhiều binh sĩ nước Việt đã giỏi sử dụng cung tiễn.
Lúc Phạm
Lãi chỉnh đốn quân đội, còn thường với bạn thân là Văn Chủng nghiên cứu thuật
trị quốc. Phạm Lãi biết rõ, đối với một nước nhỏ mà nói, coi trọng sản xuất
lương thực là đạo trị quốc. Phạm Lãi thường nói với Việt Vương:
- Chính sách muốn lấy được lòng tin của dân, tất
cần phải ngôn hành nhất trí, trên làm thế nào dưới sẽ làm theo thế ấy.
Câu Tiễn
với lòng muốn báo thù sau khi nghe mấy lời của Phạm Lãi, lập tức đem chăn nệm
trong phòng ngủ dọn ra, đổi sang dùng củi; ngoài ra để không quên quốc sỉ, Câu
Tiễn còn treo trong phòng một túi mật đắng, hằng ngày đều nếm qua mấy lần. Nhằm
động viên bách tính cày cấy, Câu Tiễn thường ra ruộng canh tác cùng bách tính,
Việt Hậu cũng học cách chăn tằm, dệt vải. Bách tính nhìn thấy rất cảm động, quốc
gia vì thế mà đại trị. Do bởi Việt Vương cần kiệm trị quốc, Phạm Lãi cùng chúng
đại thần thường ra ruộng lao động, nông nghiệp nước Việt nhanh chóng ngày càng
hưng vượng.
Phạm
Lãi nghe nói phụ cận núi Cối Kê 会稽có 2 chỗ có thể nuôi
cá, sau
khi khảo sát, nói với Câu Tiễn rằng:
- Nuôi cá 3 năm, lợi của nó gấp ngàn vạn, nước
Việt sẽ dư dả.
Việt Vương vui vẻ tiếp nhận kiến nghị của Phạm Lãi. Chẳng mấy chốc, ngư nghiệp của nước Việt rất phát triển, tăng thêm thu nhập rất nhiều cho quốc khố. ... (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/6/2021
Nguyên tác
PHẠM LÃI
范蠡
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.