Dịch thuật: Hoành chinh sóc hề chỉ hổ huyệt (38) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

HOÀNH CHINH SÓC HỀ CHỈ HỔ HUYỆT (38)

橫征槊兮指虎穴

Cầm ngang ngọn giáo chỉ hang cọp

          Câu này điển cũng xuất từ câu “Vạn lí hoành qua thám hổ huyệt” trong bài Tống Vũ lâm Đào tướng quân 送羽林陶将军 của Lí Bạch 李白 đời Đường:

Tướng quân xuất sứ ủng lâu thuyền

Giang thượng tinh kì phất tử yên

Vạn lí hoành qua thám hổ huyệt

Tam bôi bạt kiếm vũ Long Tuyền

Mạc đạo từ nhân vô đảm khí

Lâm hành tương tặng Nhiễu Triều tiên

将军出使拥楼船

江上旌旗拂紫烟

万里横戈探虎穴

三杯拔剑舞龙泉

莫道词人无胆气

临行将赠绕朝鞭

(Đào tướng quân trên lâu thuyền đi sứ, oai phong lẫm liệt

Cờ xí phất phới bay trong đám khói tía bao phủ lấy mặt sông

Chuẩn bị đi xa cầm ngang ngọn giáo thăm dò hang cọp

Sau ba chén rút kiếm Long Tuyền ra múa

Chớ có cho rằng từ nhân như tôi đây không có đảm khí

Lúc lên đường, tôi tặng ông chiếc roi ngựa như Nhiễu Triều ngày nào)

https://baike.baidu.com/item/%E9%BE%99%E6%B3%89%E5%89%91/5278879

Nhiễu Triều 绕朝: Đại phu nước Tần thời Chiến Quốc.

Đại phu Sĩ Hội 士会 nước Tấn bỏ sang nước Tần, vì việc này mà vị quân chủ nước Tấn là Triệu Thuẫn 赵盾lo sợ, bởi Sĩ Hội là người đa mưu túc trí, là nhân tài khó có. Triệu Thuẫn cho rằng, Tần có được Sĩ Hội là sự uy hiếp cho nước Tấn. Thế là nước Tấn tìm cách để đưa Sĩ Hội về lại. Trước tiên sai Nguỵ Thọ Dư 魏寿馀giả làm người phản nước Tấn đến Tần xin được đem lãnh địa là đất Nguỵ của mình dâng cho Tần. Đại thần Nhiễu Triều 绕朝 nhìn thấy rõ động cơ của nước Tấn, tâu với Tần Khang Công 秦康公, Nguỵ Thọ Dư đến Tần là nhằm đưa Sĩ Hội về lại Tấn, xin chớ nghe. Tần Khang Công không nghe, vẫn đáp ứng thỉnh cầu của Nguỵ Thọ Dư. Nguỵ Thọ Dư lúc lên triều lén giẫm lên chân Sĩ Hội ra ý Sĩ Hội thừa thời cơ cùng với ông về lại nước Tấn. Chẳng bao lâu Tần Khang Công thống lĩnh quân đội đóng quân tại Hà Tây 河西, đối diện với đất Nguỵ cách con sông, chuẩn bị đánh Tấn. Nguỵ Thọ Dư tâu xin phái một người đến từ phía đông mà có thể nói thông với mấy vị quan viên đất Nguỵ, ông ta sẽ đi cùng. Tần Khang Công phái Sĩ Hội, Sĩ Hội giả vờ không chịu, nói rằng, người Tấn như hổ như sói, nếu họ bội ước không để cho ông trở về, ông chết đi, vợ con của ông cũng sẽ bị giết, lúc đó có hối hận cũng không kịp. Tần Khang Công thề rằng nếu Tấn bội ước không để Sĩ Hội về, và ông không đưa được vợ con Sĩ Hội về thì sẽ bị Thần sông trừng phạt. Lúc này Sĩ Hội mới dám đi. Tất cả những việc đó, Nhiễu Triều đều nhìn thấy rõ. Lúc Sĩ Hội lên đường, Nhiễu Triều tặng cho Sĩ Hội một chiếc roi ngựa, nói rằng:

- Ông chớ có cho rằng nước Tần không có nhân tài, chỉ là kế mưu của tôi không được dùng mà thôi.

Ngầm ý của Nhiễu Triều là ông đã sớm nhận ra ý đồ của Sĩ Hội và Nguỵ Thọ Dư, chiếc roi ngựa có thể giúp Sĩ Hội đào thoát trở về lại nước Tấn. Quả nhiên, Sĩ Hội sau khi qua sông, người đất Nguỵ nhân vì có được Sĩ Hội đã hoan hô ầm ĩ đưa Sĩ Hội về lại Tấn. Sĩ Hội sau khi về lại Tấn, nhân vì sợ tài năng của Nhiễu Triều nên đã phái người nói xấu Nhiễu Triều với Tần Khang Công để hãm hại, nói rằng Nhiễu Triều tương lai sẽ đến với nước Tấn. Các đại phu nước Tấn đều tin lời, Tần Khang Công bèn giết Nhiễu Triều.

          Về sau người ta dùng “Nhiễu Triều sách” 绕朝策 hoặc “Nhiễu Triều tiên” 绕朝鞭 để ví người có mưu lược tiên kiến.

https://baike.baidu.com/item/%E7%BB%95%E6%9C%9D%E8%B5%A0

Câu 38 này, bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo (36)

                                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                                               Quy Nhơn 12/6/2021

Previous Post Next Post