Dịch thuật: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ (3110) ("Truyện Kiều")

 

ĐEM TÌNH CẦM SẮT ĐỔI RA CẦM CỜ (3110)

          Cầm sắt 琴瑟 : cũng nói là “sắt cầm” 瑟琴 tên hai loại nhạc khí thời cổ. Tương truyền Phục Hi 伏羲 phát minh ra đàn cầm đàn sắt. Cả hai loại đàn này đều dùng gỗ ngô đồng làm thành. Lúc ban đầu đàn cầm có 5 dây, sau đổi thành 7 dây; đàn sắt có 25 dây. Mục đích người xưa chế tạo và sử dụng đàn cầm dàn sắt là để thuận hoà khí âm dương và thuần khiết nhân tâm.

https://baike.baidu.com/item/%E7%90%B4%E7%91%9F

          Bài Quan thư 關雎 Chu Nam 周南 trong Kinh Thi có câu:

Yểu điệu thục nữ

Cầm sắt vĩ chi

窈窕淑女

琴瑟友之

(Người con gái dịu dàng xinh đẹp kia

Ta gảy đàn cầm đàn sắt để kết bạn với nàng)

          Và bài Đường đệ 棠棣 ở phần Tiểu nhã 小雅 trong Kinh Thi cũng có câu:

Thê tử hảo hợp 

Như cổ sắt cầm

妻子好合

如鼓瑟琴

(Vợ con hoà hợp

Như gảy đàn sắt đàn cầm)

          “Cầm sắt” hoặc “sắt cầm” được dùng để chỉ vợ chồng.

          “Cầm cờ”: tức đàn và cờ.

Chàng dù nghĩ đến tình xa

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ

(“Truyện Kiều” 3109 – 3110)

Ai ngờ lại họp một nhà

Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm

(“Truyện Kiều” 3177 – 3178)

Cầm cờ: Đàn và cờ, còn nói là cầm kỳ theo âm Hán Việt. Tình cầm cờ là tình bạn đối lập với tình cầm sắt là tình vợ chồng.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Cầm sắt là vợ chồng, cầm kỳ là bầu bạn

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 3110 là:

Đem tình cầm sắt đổi ra cầm KỲ

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 3109 là:

Chàng dù nghĩ đến GẦN xa

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 06/6/2021

Previous Post Next Post