DỤC BẢ LIÊN THÀNH HIẾN MINH THÁNH (20)
欲把連城獻明聖
Muốn lập công lớn dâng lên hoàng đế
Liên thành 連城 / 连城: Điển xuất từ
nhân vật Lận Tương Như 藺相如, đại thần nước Triệu
thời Chiến Quốc, cũng là nhà chính trị, nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Triệu.
Thời
Chiến Quốc, Triệu Huệ Văn Vương 赵惠文王 có được viên ngọc họ Hoà和,
Tần Chiêu Tương Vương 秦昭襄王 nghe nói, muốn đoạt lấy, bèn phái người đến Triệu nói
rằng, Tần Vương bằng lòng đem 15 thành đổi lấy ngọc. Triệu Vương không muốn
nhưng vì nước Triệu thế yếu, không dám đắc tội với Tần Vương, sợ Tần Vương
không vui sẽ đem binh đánh Triệu. Vì chuyện đó mà Triệu Vương lo lắng, cho triệu
Lận Tương Như đến, nói rằng: “Tần đem 15 thành xin đổi lấy ngọc, có nên giao
cho ông ta không?” Lận Tương Như đáp rằng: “Tần mạnh, Triệu yếu, không thể
không đáp ứng.” Triệu Vương lại hỏi: “Tần có được ngọc của ta mà không chịu
giao thành thì làm thế nào?” Lận Tương Như đáp: “Tần xin đem thành đổi lấy ngọc,
nếu Triệu không đáp ứng thì cái sai ở Triệu. Nếu Triệu giao ngọc mà Tần không
chịu giao thành thì cái sai ở Tần.” Thế là Lận Tương Như được giao nhiệm vụ
mang ngọc sang Tần.
Tần
Vương ngồi trên Chương đài 章台 tiếp kiến Lận Tương Như. Lận Tương Như dâng ngọc, Tần
Vương vô cùng vui mừng, truyền đem ngọc cho thê thiếp cùng tả hữu thị tùng xem.
Lận Tương Như thấy Tần Vương không hề nhắc đến việc giao thành, bèn tiến lên
nói rằng: “Viên ngọc đó có chỗ tì vết, để thần chỉ cho đại vương thấy.” Tần
Vương giao ngọc cho Lận Tương Như, thế là Lận Tương Như tay cầm ngọc lui về sau
mấy bước dựa vào cột, giận dữ nói rằng: “Đại vương muốn có được ngọc, phái người
đưa thư sang Triệu. Triệu Vương triệu tập đại thần thương nghị, mọi người đều
nói: ‘Nước Tần tham không biết chán, cậy mạnh muốn đoạt lấy ngọc mà không muốn
giao thành.’ Kết quả thương nghị là là không giao ngọc cho Tần. Nhưng riêng thần lại cho rằng, bách
tính bình dân giao tiếp qua lại với nhau không lừa dối nhau, huống hồ là với Đại Tần. Hơn nữa, vì một viên ngọc mà khiến
Tần không vui thì cũng không nên. Thế là Triệu Vương trai giới 5 ngày, phái thần
mang ngọc sang Tần, trên điện cung kính dâng quốc thư. Vì sao như thế? Là để biểu
thị sự tôn kính đối với uy vọng của nước Tần. Nay thần đến quý quốc, đại vương
lại ngồi trên đài tiếp kiến thần, lễ tiết vô cùng ngạo mạn, khi có được ngọc,
truyền cho thê thiếp cùng xem, ấy là đùa bỡn thần. Thần thấy đại vương không có
thành ý giao thành, cho nên thần lấy lại ngọc. Nếu đại vương nhất định bức thần,
thì đầu của thần và viên ngọc cùng nát dưới chân cột.’ Lận Tương Như cầm ngọc, nhìn
cột như có ý đâm đầu vào cột. Tần vương sợ nát viên ngọc liền cho đem địa đồ đất
Tần đến chỉ rõ sẽ giao 15 thành cho Triệu. Lận Tương Như biết chẳng qua là Tần
Vương dùng thủ đoạn để gạt, thực tế là không muốn giao thành. Thế là Lận Tương
Như nói với Tần Vương: ‘Ngọc họ Hoà cả thiên hạ đều công nhận là báu vật, Triệu
Vương sợ quý quốc nên không dám không dâng. Nhưng trước khi dâng ngọc, Triệu
Vương đã trai giới 5 ngày. Nay đại vương cũng phải trai giới 5 ngày, bày cửu
tân đại điển trên điện, thần mới dám dâng lên.’ Tần Vương thấy không thể cưỡng
đoạt, thế là đáp ứng trai giới 5 ngày, cho Lận Tương Như nghỉ tại quán khách. Lận
Tương Như nghĩ rằng Tần Vương dù có đáp ứng trai giới, cũng nhất định bội ước
không giao thành, bèn sai tuỳ tùng mặc quần áo vải thô, giấu ngọc trong người,
theo đường nhỏ trốn về nước, giao ngọc lại cho Triệu Vương.
Tần
Vương sau 5 ngày trai giới, bày cửu tân đại điển trên điện, mời sứ giả nước Triệu
Lận Tương Như. Lận Tương Như sau khi đến, nói với Tần Vương: ‘Nước Tần từ đời Mục
Công 穆公 đến
nay là đã hơn 20 vị quân chủ, mà chưa có người nào giữ lời tín ước. Thần sợ đại
vương dối gạt mà có lỗi với Triệu Vương nên đã sai người mang ngọc về lại nước
Triệu. Tần là nước Mạnh, Triệu là nước yếu, nếu Tần trước tiên đem 15 thành cắt
giao cho Triệu, thì Triệu làm sao dám giữ lại ngọc để đắc tội với đại vương. Thần
biết dối gạt đại vương sẽ bị giết chết, thần bằng lòng nhận lấy hình phạt bỏ
vào vạc nước sôi, chỉ mong đại vương và các vị đại thần nghị bàn lại.’ Thị tùng
có người định kéo Lận Tương Như đi thụ hình, Tần Vương nói rằng: ‘Nay nếu giết
Lận Tương Như, ngọc không thể có được mà ngược lại phá hoại tình giao hảo giữa Tần
với Triệu. Chi bằng nhân cơ hội này khoản đãi ông ta, thả ông ta trở về lại Triệu,
Triệu Vương lẽ nào vì một viên ngọc mà dối gạt nước Tần sao? Cuối cùng Lận Tương
Như được tiếp kiến long trọng sau đó về lại Triệu.
Triệu
Vương cho Lận Tương Như là người có đức hạnh, có tài năng, đi sứ các chư hầu quốc
mà không làm nhục sứ mệnh, thế là phong Lận Tương Như làm Thượng đại phu.
https://baike.baidu.com/item/%E5%BB%89%E9%A2%87%E8%94%BA%E7%9B%B8%E5%A6%82%E5%88%97%E4%BC%A0
(Sử kí – Liêm Pha Lận Tương Như liệt truyện 史記 - 廉頗藺相如列傳.)
“Liên
thành” ở đây ý nói lập công lớn.
Câu 20 này, bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của
Đoàn Thị Điểm là:
Thành liền mong hiến bệ rồng (19)
Bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in
năm 1953 là:
Thành liền mong TIẾN bệ Rồng
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 04/6/2021