Dịch thuật: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (6) ("Truyện Kiều")

 

TRỜI XANH QUEN THÓI MÁ HỒNG ĐÁNH GHEN (6)

          Má hồng: tức “hồng nhan” 红颜. Thành ngữ Trung Quốc có câu: “Hồng nhan bạc mệnh” 红颜薄命 ý nói thiếu nữ dung mạo xinh đẹp nhưng vận mệnh lại không may.

Tô Thức 苏轼 trong bài Bạc mệnh giai nhân 薄命佳人 có câu:

Tự cổ giai nhân đa bạc mệnh

Bế môn xuân tận dương hoa lạc

自古佳人多薄命

闭门春尽杨花落

(Xưa nay người đẹp đa phần luôn bất hạnh

Đóng cửa chỉ một mình, như hoa dương héo rụng lúc xuân tàn)

http://mathfunc.com/chaxun/list/929634.html

          Và như Âu Dương Tu 欧阳修 trong bài Tái hoạ Minh Phi khúc 再和明妃曲 cũng có viết:

Hồng nhan thắng nhân đa bạc mệnh

Mạc oán đông phong đương tự ta

红颜胜人多薄命

莫怨东风当自嗟

(Thiếu nữ đẹp hơn người đa phần vận mệnh luôn bất hạnh

Chớ có oán hận gió đông mà hãy chỉ riêng mình than thở)

https://zhidao.baidu.com/question/564625153

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

(“Truyện Kiều” 5 -6)

Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương

(“Truyện Kiều” 65 - 66)

Đã cho lấy chữ hồng nhan

Làm cho cho hại cho tàn cho cân

(“Truyện Kiều” 1271 - 1272)

Thân sao bạc chẳng vừa thôi

Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan

(“Truyện Kiều” 1763 - 1764)

Sinh rằng: Thật có như lời

Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay

(“Truyện Kiều” 1905 - 1906)

Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

(“Truyện Kiều” 2659 - 2660)

Má hồng: Má đỏ, chỉ người đẹp. Nh. Hồng nhan

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Tạo hoá đố hồng nhan

造化妬紅顏

          (Con tạo hay ghen ghét hồng nhan)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 5 là:

Lạ gì bỉ sắc THỬ phong

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 6 này là:

Trời xanh quen VỚI má hồng đánh ghen

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 15/5/2021

Previous Post Next Post