Dịch thuật: Phạm Lãi (kì 2) (Hổ chi uy)

 

PHẠM LÃI

(kì 2)

NẾM MẬT NẰM GAI, ĐỢI THỜI NHẪN NHỤC

          Ngô Vương Phù Sai quả nhiên tiếp nhận sự đầu hàng của Việt Vương, nhưng lại đề xuất nhiều điều kiện để làm nhục. Để khiến cho Việt Vương có thể tỉnh táo đối mặt với hiện thực, Phạm Lãi khắc trên đá 12 chữ:

Đãi kì thời, nhẫn kì nhục, bỉnh kì sưởng, tựu kì hư.

待其时, 忍其辱, 秉其敞, 就其虚

(Đợi thời, nhẫn nhục, giữ thoáng, nắm hư)

          Trải qua nhiều thăng trầm, Phạm Lãi cùng theo vợ chồng Câu Tiễn đến Cô Tô 姑苏, đô thành nước Ngô. Ngô Vương Phù Sai cầm tù họ nơi một gian nhà bằng đó bên cạnh Lư phần 闾坟 (mộ của Ngô Vương Hạp Lư 阖闾 – ND). Gian nhà đá này ẩm thấp tối tăm, quanh năm không nhìn thấy ánh nắng.

          Sau khi Việt Vương và Vương hậu đến ở nơi đó, luôn gặp ác mộng; Câu Tiễn trở nên không thích nói, thường hay than thở; Phạm Lãi thì lại vô cùng thản nhiên, thường đắm chìm trong suy nghĩ, không phải suy nghĩ đến sự an nguy được mất cho bản thân mình, mà là như thế nào mới có thể khoét sâu mâu thuẫn giữa quân thần Ngô Vương, dẫn đến sự đấu tranh giữa Bá Bỉ 伯嚭 và Ngũ Tử Tư 伍子胥; như thế nào mới có thể khiến Ngô Vương cho rằng Câu Tiễn thần phục mình; như thế nào mới có thể lợi dụng mục đích Việt Vương làm tê liệt Phù Sai. Trước khi đến nước Ngô, Phạm Lãi dặn Văn Chủng, hằng tháng tặng lễ vật trân quý cho Bá Bỉ.

          Phù Sai lệnh cho Câu Tiễn thay mình nuôi ngựa, mỗi khi ngồi xe ra đi, đều lệnh cho Câu Tiễn dắt ngựa. Phạm Lãi lén đem cách nuôi ngựa tuyệt mật chỉ cho Câu Tiễn, rất nhanh chóng, ngựa mà Câu Tiễn nuôi lông da trở nên láng mượt, từng con từng con mập mạp khoẻ mạnh, Phù Sai nhìn thấy rất vui lòng; Phạm Lãi còn đem cách lau rửa xe chỉ cho Câu Tiễn, xe mà Câu Tiễn lau chùi trở nên bóng loáng.

          Sau khi Việt Vương Câu Tiển bị giam lỏng hai năm ở nước Ngô, Ngũ Tử Tư kiến nghị Ngô Vương nên xử tử Việt Vương Câu Tiễn, nhưng đều bị Ngô Vương Phù Sai ngăn cản.

          Ngô Vương Phù Sai thường sai người tra xét nhất cử nhất động của Câu Tiễn, người quay về bẩm báo luôn khen ngợi Việt Vương không hề do vì làm những việc thấp hèn như thế mà sinh lòng oán hận. Lúc Việt Vương quét dọn chuồng ngựa, vẫn thường luôn ca hát. Phạm lãi và Việt hậu trước sau đều giữ lễ quân thần, phu phụ. Việt Vương bảo họ ngồi, họ mới ngồi. Khi Việt Vương ăn cơm xong, Phạm Lãi và Việt hậu mới dám cầm đũa.

          Phù Sai nghe những chuyện đó đều không tin. Một lần nọ Phù Sai lén lên đầu núi đích thân xem xét. Quả nhiên nhìn thấy Câu Tiễn đang ngồi trên máng ngựa ăn cơm, Phạm Lãi và Việt hậu cung kính đứng hầu một bên.

          Phù Sai tìm Bá Bỉ hỏi rằng:

          - Câu Tiễn ở nơi đó đã bao lâu rồi?

          Bá Bỉ đáp:

          - Gần ba năm rồi.

          Phù Sai than rằng:

          - Quả thực không ngờ thần tử và Vương hậu của Việt Vương, trong hoàn cảnh như thế mà vẫn giữ được lễ quân thần. Nếu đem họ giết đi, e là không có lợi cho nước Ngô, nên thực hiện lời hứa thả cho họ về.

          Bá Bỉ nói rằng:

          - Sợ là Thái sư không đồng ý.

          - Tại sao?

          Bá Bỉ đáp rằng:

          - Tiên vương trước khi mất, từng đáp ứng Thái sư chia nước Ngô để trị. Hiện tại, điều mà Ngũ Tử Tư muốn vẫn là chia nước Ngô để trị. Nếu ngài giết Câu Tiễn, ông ta có thể nắm giữ nước Việt đấy.

          Phù Sai nghe qua giật mình, tức giận nói rằng:

          - Ta phải thả Câu Tiễn về nước.

          Phù Sai nghĩ đến việc Ngũ Tử Tư muốn cùng mình “chia nước Ngô để trị”, trong lòng tức giận, qua mấy ngày sau sinh bệnh.

          Ngày nọ, quân canh nói với Phạm Lãi, không cần chuẩn bị ngựa xe. Liên tiếp mấy ngày như thế, Phù Sai không sử dụng xe ngựa. Phạm Lãi nghĩ, nhất định là đã phát sinh đại sự. Qua dò hỏi, biết được Phù Sai bệnh.

          Phù Sai bệnh trong một thời gian dài, Phạm Lãi nghĩ ra một diệu kế. Phạm Lãi nói với Câu Tiễn:

          - Ngài viết một lá thư cho Bá Bỉ nói rằng thần lúc trẻ có học qua y thuật, biết được một số phương thuốc bí truyền, có thể chữa khỏi bệnh cho Phù Sai, nếu chữa không khỏi xin chịu tội.

          Bá Bỉ sau khi nhận được thư, đem giao cho Phù Sai, Phù Sai đồng ý để Phạm lãi chữa trị cho mình, nhưng yêu cầu Phạm Lãi phải nếm thuốc trước, sau đó mới dùng.

          Phạm Lãi chẩn mạch cho Phù Sai, kinh ngạc nói rằng:

          - Bệnh của đại vương đã trở nặng, may mà quý thể của đại vương tráng kiện, nếu không thì đã mất mạng từ lâu.

          Phạm Lãi lại đem toa thuốc mà các thầy thuốc đã cho xem qua, mắng rằng:

          - Bệnh của đại vương vốn có thể chữa khỏi từ sớm, thế mà bị  những thấy thuốc tầm thường kê toa.

          Theo toa thuốc kê cho Phù Sai, Phạm Lãi đưa cho Bá Bỉ và nói rằng:

          - Theo toa này cho đại vương uống, nếu như ngày mai đại vương đại tiện được, thì sẽ nhanh chóng mạnh khoẻ. Nhưng, lúc đại tiện nhất định phải nhờ người sau khi dùng miệng nếm qua, nói lại với tôi, tôi mới có thể kê toa thuốc thứ hai.

          Sau khi Phạm Lãi về lại gian nhà đá, nói với Câu Tiễn rằng:

          - Bệnh của Phù Sai sắp khỏi, nhân đó thần đã kê cho ông ta một toa thuốc, trong đó có loại thuốc bài tiết, ngày mai ông ta sẽ đại tiện. Thần có nói với bọn họ, đại tiện tất phải do người trung thành với đại vương đích thân dùng miệng nếm qua, rồi đem mùi đó nói lại với thần, thần mới có thể quyết định kê thuốc gì tiếp theo.

          Câu Tiễn than rằng:

          - Ta nghĩ, không có ai bằng lòng làm việc đó đâu!

          Phạm Lãi cười bảo rằng:

          - Chính vì lẽ đó, thần mới bảo ngài đi để biểu hiện.

          Câu Tiễn nghe qua chợt tỉnh ngộ.

          Ngày hôm sau, Phù Sai quả nhiên đại tiện. Câu Tiễn từ sớm đã đợi trước cửa vương cung, nhận phân do nội thị bưng ra, dụng miệng nếm qua, sau đó đến trước giường của Phù Sai, nói với Phạm Lãi rằng:

          - Quả giống như lời ông nói, vị rất đắng.

          Phạm Lãi vội giải thích rằng:

          - Chính do bởi phân có vị đắng, biểu hiện độc khí trong bụng đã phát tán ra. Chẳng bao lâu nữa đại vương nhất định sẽ bình phục.

          Ngô Vương Phù Sai cảm động đến nỗi nước mắt lưng tròng, hướng tới Ngũ Tử Tư nói rằng:

          - Mau đưa cả nhà Việt Vương sắp xếp yên ổn trong cung, nhất định phải lấy lẽ hiếu sinh mà phục vụ. Đợi ta khỏi bệnh sẽ tiễn vợ chồng Câu Tiễn về nước.

          Câu Tiễn nghe qua liền quỳ xuống dập đầu nói rằng:

          - Chỉ cần đại vương có thể bình phục, tôi nguyện một đời tại nước Ngô hầu hạ đại vương.

                                                                               (hết kì 2)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 19/5/2021

Nguyên tác

PHẠM LÃI

范蠡

Trong quyển

HỔ CHI UY

虎之威

Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文

Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post