Dịch thuật: Phạm Lãi (kì 1)

 

PHẠM LÃI

(kì 1)

          Phạm Lãi 范蠡 (không rõ năm sinh năm mất), tự Thiếu Bá 少伯, người Uyến Ấp 宛邑 nước Sở cuối thời Xuân Thu.

          Phạm Lãi范蠡 giúp Việt Vương 越王 phục quốc, thôn tính nước Ngô.

          Phạm Lãi lúc lên làm Tướng quân cho rằng, Câu Tiễn 勾践 có thể cùng chung hoạn nạn, nhưng không thể cùng chung hưởng lạc, bèn dẫn người đẹp Tây Thi 西施cùng nô bộc đi kinh doanh thương nghiệp.

THIÊN MỆNH VÔ THƯỜNG, KẺ CÓ ĐỨC LÀM VƯƠNG

          Uyển Ấp 宛邑nước Sở thời Xuân Thu, vị trí tại núi Phục Ngưu 伏牛, phía nam núi Phương Thành 方城, phía tây Vũ Dương 舞阳, Đồng Bá 桐伯, phía đông Nội Hương 内乡, phía bắc Hán thuỷ 汉水. Bạch hà 白河 chảy xuyên toàn khu vực đến Ai Phàn 哀樊đổ vào Hán thuỷ. Uyển Ấp 宛邑 từ thời cổ chính là con đường giao thông trọng yếu giữa Kinh , Tương và vùng Quan , Lạc , có lịch sử rất lâu đời, nhân kiệt địa linh, đã tạo nên môi trường vô cùng có lợi cho sự trưởng thành của Phạm Lãi.

          Theo truyền thuyết, Phạm gia con một đơn truyền đã vượt qua 5 đời, cho nên phụ thân hết sức quan tâm đối với Phạm Lãi. Vừa đến tuổi đi học đã đưa Phạm Lãi đến một trường làng theo học với Trang Bá 庄伯, có bạn cùng học là thiếu niên tài tử Lục Thông 陆通, Trang Sinh 庄生. Phạm Lãi thiên tư thông minh dĩnh ngộ, tư tưởng nhanh nhạy, lĩnh ngộ sâu sắc, sức nhớ siêu quần, khổ độc thư tịch Thư , Dịch , Thi . Đối với việc thiện nhượng, chính trị văn cáo, chiến tranh tuyên ngôn, hịch văn thệ từ, thiên văn khí tượng, địa lí sơn xuyên của ba đời Hạ, Thương, Chu ông đều có thể xem hiểu, nhiều đại sự về chính trị, quân sự, kinh tế cho đến văn hoá ông đều thành thục. Phạm Lãi không chỉ học kinh nghiệm lịch sử mà còn học đại đạo lí trị quốc.

          Phạm Lãi đối với cha mẹ vô cùng hiếu thuận, đối với bạn bè luôn giữ tín nghĩa, tự nhiên thoải mái không câu nệ lễ giáo. Phạm Lãi lên 10 tuổi, mùa hè quạt mát cho cha mẹ, mùa đông sưởi ấm chiếu cho cha mẹ, hàng ngày sớm tối vấn an. Để du lịch, Phạm Lãi thường vấn tóc đội mũ, giống như một người đã thành niên. Trang Bá tiên sinh biết Phạm Lãi có tài năng, mỗi khi nhắc đến ông, luôn nói câu “ngư đại đường tiểu” 鱼大塘小 (cá thì lớn mà ao thì nhỏ), cũng thường khuyên cha mẹ Phạm Lãi nên thuận ứng theo sự phát triển tự nhiên.

          Phạm Lãi 18 tuổi từng cầu kiến Khổng Tử 孔子, kết giao với Kế Nhiên 计然. Về sau lại bái Quỷ Cốc Tử 鬼谷子 làm thầy, học tập đạo, số, binh, du. Nước Trịnh và nước Sở đại chiến tại Uyển Ấp, cha mẹ Phạm Lãi chết trong chiến tranh. Phạm Lãi hành nghề y xem bệnh, xem bói để mưu sinh, nhiều lần xuất du Dĩnh đô 郢都 và nước Việt.

          Phạm Lãi khắp nơi tìm những người nổi tiếng, kết giao tài tử, chú ý khảo sát xã hội. Trải qua sự chỉ điểm của danh sư, khảo sát thực địa, ông đối với thiên văn, lịch số, nhân tình thế cố, đạo hành quân, phép bố trận và thuật tách nhập đều vô cùng tinh thông. Lúc này, ông đã thành kẻ thức thời vụ, binh pháp thao lược mà ẩn giấu trong lòng, cùng hùng tài đại trí đủ để an bang định quốc.

          Quý tộc nước Sở thời Xuân Thu nắm quyền, quốc vương không làm được gì, triều đình vô cùng hủ bại. Phạm Lãi nhìn thấy nước Sở không chỉ bị nước Ngô khi nhục, dựa vào nước Tần lại cảm thấy lòng lo như lửa đốt. Phạm Lãi xuất thân hàn vi, không muốn nịnh bợ bọn quý tộc hôn dung, thường ra vào nơi gian nhà cũ, phiêu bạt chốn chân trời. Ông cũng thường giả vờ cuồng si để tránh người khác đố kị tài năng.

          Có một năm, Ngô Việt giao chiến, nước Việt về nhiều phương diện như quân đội, đất đai cùng nhân tài đều không bằng nước Ngô. Việt Vương Câu Tiễn 勾践 vô cùng lo, bức bách cần phải tìm một bề tôi giỏi giúp mình để cứu vận mệnh đất nước. Đại thần nước Việt là Văn Chủng 文种 từ lâu đã ngưỡng mộ đại danh của Phạm Lãi, bèn tiến cử Phạm Lãi cho Câu Tiễn. Câu Tiễn lập tức ngồi xe đi bái kiến Phạm Lãi. ... (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 03/5/2021

Nguyên tác

PHẠM LÃI

范蠡

Trong quyển

HỔ CHI UY

虎之威

Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文

Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post