NGHI THỨC CỦA LỄ NGHI
(kì 2)
2- Nghi thức
với chính trị
Trong Sử kí – Thúc Tôn Thông liệt truyện 史记 - 叔孙通列传 có
chép câu chuyện: Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang 汉高祖刘邦 lên ngôi làm
hoàng đế, đã bỏ hết Tần pháp, nhất thiết đều được đơn giản. Nhưng lại nảy sinh
vấn đế, có một lần, Hán Cao Tổ mời quần thần dự tiệc. qua ba tuần rượu, cảnh tượng
bữa tiệc trở nên hỗn loạn. một số người bắt đầu so tửu lượng, có người “tuý hoặc
vọng hô” 醉或妄呼 (uống say hô hoán bậy), thậm chí còn có người “bạt kiếm
kích trụ” 拔剑击柱 (tuốt kém chém cột), tóm lại đường đường là hoàng
cung mà trở nên như cái chợ. Vẻ tôn nghiêm của hoàng đế trong tình cảnh đó dường
như không tồn tại, thế là “thượng hoạn chi” 上患之 (hoàng thượng
lo lắng). Lúc bấy giờ Bác sĩ Thúc Tôn Thông nói với Lưu Bang, ông ta nguyện triệu
nho sinh đất Lỗ cùng với học sinh của mình hơn trăm người, huấn luyện chư hầu,
tướng quân, quân lại ... học tập lễ nghi triều bái của Nho gia, quy phạm trật tự
quần thần. Lưu Bang đồng ý.
Hán Cao
Tổ năm thứ 7 (năm 200 trước công nguyên), Lưu Bang tại Trường Lạc cung 长乐宫 tiếp thụ lễ triều cận của chư hầu và quần thần. Tình
hình rõ ràng đã khác hẳn với lúc trước, chỉ thấy chư hầu, quần thần do Lễ quan
dẫn vào điện môn, xa kị, thú tốt. vệ quan trong sân chỉnh tề, công thần, liệt hầu,
chư tướng quân, quân lại cả mấy trăm người theo thứ bậc đứng quay mặt về hướng
đông, quan văn từ Thừa tướng trở xuống đứng quay mặt về hướng tây. Đợi khi xa
giá của hoàng đế từ từ tiến vào, bách quan giương cờ truyền hô chuẩn bị. Tiếp
đó, chư hầu vương trở xuống đến quan lại hưởng bổng lộc 600 thạch, theo đẳng cấp,
tiến lên triều bái. Triều bái xong, quần thần yến ẩm, cả quá trình “vô cảm hoan
hoa thất lễ giả” 无敢欢哗失礼者 (không
ai dám huyên náo thất lễ). Cảm nhận của mọi người trước toàn cảnh nghi thức đó
là “tự chư hầu vương dĩ hạ, mạc bất chấn khủng túc kính” (từ chư hầu vương trở
xuống, không ai là không nghiêm túc cung kính mà không sợ sệt). Sử kí 史记 ghi
rằng: Hán Cao Tổ cảm thán:
Ngô nãi kim nhật tri vi hoàng đế chi quý
dã.
吾乃今日知为皇帝之贵也
(Hôm nay ta mới biết sự tôn quý của hoàng đế)
Sau lần
triều bái thứ hai, lời cảm thán của Lưu Bang đã phản ánh một đạo lí, sự tôn quý
của hoàng đế không phải tự nhiên mà có, mà là do nghi thức phú cho. Nghi thức
đã cải biến cục diện mất trật tự “quân bất quân, thần bất thần” 君不君, 臣不臣 (quân vương không ra quân vương, bề tôi không ra bề
tôi), nghi thức khiến chúng thần cảm thấy hết sức lo sợ. Điều đó chính như
trong Lễ kí – Khúc lễ 礼记 - 曲礼 có nói:
Ban triều, trị quân, lị quan, hành pháp,
phi lễ uy nghiêm bất hành.
班朝,治军,莅官,行法,非礼威严不行.
(Triều
ban chỉnh tề, quân đội kỉ luật, quan viên tựu chức, pháp lệnh ban hành, nếu
không có lễ thì không có sự uy nghiêm)
Cũng chính là nói, lễ nghi đã kích hoạt tính thần thánh của chính quyền chuyên chế, nhân đó dường như thấy chúng thần đảnh lễ mô bái đối với vị quân chủ, nhưng kì thực là sự đảnh lễ mô bái của chúng thần – người tham dự nghi thức, đối với quyền lực.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/5/2021
Nguyên tác
LỄ KINH
礼经
Biên soạn:
Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 20019