Dịch thuật: Một cây cù mộc một sân quế hoè (3238) ("Truyện Kiều")

 

MỘT CÂY CÙ MỘC MỘT SÂN QUẾ HOÈ (3238)

Cù mộc:

Bài “Nam hữu cù (cưu) mộc” 南有樛木ở phần Chu Nam trong Kinh Thi có 3 chương, mỗi chương có 4 câu và mỗi chương đều mở đầu bằng câu “Nam hữu cưu mộc”. Bài thơ khen tặng bà Hậu phi năng thi ân cho các người thiếp dưới mình mà không có lòng đố kị, ghen tuông.

Chương 1

Nam hữu cưu mộc

Cát luỹ lôi chi

Lạc chỉ quân tử

Phúc lý tuy chi

...................

南有樛木

葛藟纍之

樂只君子

福履綏之

.................

Núi nam có cây sà

Dây sắn dây bìm kết đeo lên

Vui mừng thay bà Hậu phi

Phúc lộc sẽ đưa đến để bà sống yên ổn

......................

Chú: cưu mộc là cây cong sà xuống.

(Theo Tạ Quang Phát “Kinh Thi”, tập 1)

Quế hoè

1- Đậu Vũ Quân 竇禹鈞 còn gọi là Đậu Yên Sơn 竇燕山có 5 người con, gia giáo rất nghiêm, ông dựng 40 gian thư phòng, số sách đến cả ngàn quyển, mời kẻ sĩ có văn tài đức hạnh đến làm thầy dạy học. Học giả có chí của bốn phương nghe tiếng tìm đến. Cả 5 người con của ông thông minh dĩnh tuệ, văn hạnh đều ưu tú, người đương thời khen là “Đậu thị ngũ long” 窦氏五龙 (Năm con rồng nhà họ Đậu). Đương thời vị Thị lang tên là Phùng Đạo 冯道 làm tặng Đậu Yên Sơn bài thơ:

Yên Sơn Đậu thập lang

Giáo tử hữu nghĩa phương

Linh xuân nhất chu lão

Đan quế ngũ chi phương

燕山窦十郎

教子有义方

灵椿一株老

丹桂五枝芳

(Đậu thập lang ở Yên Sơn

Dạy con rất có đạo lí

Một cội linh xuân già

Trổ ra 5 cành quế thơm)

          “Đan quế ngũ chi phương” nói ở đây chính là sự đánh giá và khen ngợi “ngũ tử đăng khoa” của nhà họ Đậu.

http://blog.sina.com.cn/s/blog_4b8832b50102uzm4.html

2-  Tương truyền vào đời Chu ngoài cung đình có trồng 3 cây hoè, khi tam công vào chầu thiên tử, đứng quay mặt hướng về cây hoè. Về sau lấy “tam hoè” để ví “tam công”.

          Trong Chu lễ - Thu quan – Triều sĩ 周禮 - 秋官 - 朝士có câu:

Diện tam hoè, tam công vị yên.

面三槐, 三公位焉

(Phía trước trồng 3 cây hoè là vị trí chầu của tam công)

          Vương Hựu 王祐đời Tống từng trồng 3 cây hoè trong sân, nói rằng:

Ngô tử tôn tất hữu vi tam công giả

吾子孫必有為三公者

(Con cháu của ta tất sẽ có người làm đến tam công)

          Về sau con ông là Đán quả nhiên nhậm chức Tướng.

http://www.chinesewords.org/dict/3793-619.html

 Đời sau dùng “quế hoè” hoặc “hoè quế” để ví con cháu hiển đạt thành danh.

Thừa gia chẳng hết nàng Vân

Một cây cù mộc một sân quế hoè

(“Truyện Kiều” 3237 – 3238)

Cù mộc: Chữ của Kinh Thi chỉ cây to che chở cho những cây con ở dưới, tượng trưng cho cha mẹ che chở cho con.

Quế hoè: Cây quế và cây hoè, chỉ con cháu đông đúc và làm nên.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          “Cù mộc là vợ cả, ý chỏ nàng Kiều, quế hoè là con cháu, ý chỏ con nàng Vân”.

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Qua bài “Nam hữu cù (cưu) mộc”, theo ý riêng thì “cù mộc” ở đây chỉ Thuý Kiều hợp lí hơn.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 3237 là:

Thừa gia ĐÃ CÓ nàng Vân

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 13/5/2021

Previous Post Next Post