Dịch thuật: Li sơn lang yên (kì 2)

 

LI SƠN LANG YÊN

(kì 2)

          Chính ngày mà Tề Tuyên Vương hỏi lão cung nữ, có một đôi vợ chồng nhà quê, người vợ ôm một bao đựng tên được làm từ loại cỏ ki, tên đựng trong bao này đương thời gọi là “ki phục” 箕服; người chống vác cung được làm từ gỗ cây dâu, loại cung này đương thời gọi là “yểm hồ” 檿 đến Hạo kinh để bán. Vừa đến cổng thành bị quan viên quản lí chợ trông thấy. Vị quan nọ lớn tiếng hét rằng:

          - Các ngươi to gan dám trái cấm lệnh, bán yểm hồ ki phục.

          Liền lệnh cho binh sĩ thủ hạ bắt hai người giết đi. Hai người thấy tình hình như thế, sợ hãi vất cả cung tên bỏ chạy. Họ không dám chạy đường lớn, cũng không dám về nhà, vượt núi băng đèo, cứ theo đường nhỏ mà đi, vất vả lắm mới thoát được. Đến khoảng nửa đêm, họ quá mệt, bèn dựa vào gốc cây bên đường nghỉ. Cả hai vợ chồng đều không rõ tại sao bán yểm hồ ki phục lại bị tội, nhiều năm qua chẳng phải họ không phải làm thứ này để bán sao? Đương lúc nhỏ tiếng nói chuyện, bỗng nghe có tiếng khóc của con nít gần đó. Họ cảm thấy kì lạ, lần theo tiếng khóc mà tìm, phát hiện một chiếc bọc trong bụi gai, mở ra xem, bên trong là một đứa bé vừa mới sinh. Đôi vợ chồng nhà quê thấy đứa bé đáng thương, bởi chốn này hẻo lánh không nhà, dấu chân người ít đến, chậm một chút, đứa bé nếu không chết đói thì cũng bị dã thú ăn mất. Động lòng trắc ẩn, họ không thể thấy chết mà không cứu. Nhưng, họ nghĩ đến bản thân mình trước mắt không có nhà để về, mang theo một đứa bé đến chốn nào để yên thân đây?  Nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ đến tại nước Bao (nay là Bao Thành 褒城 Thiểm Tây 陕西) còn có mấy người bà con bạn bè, thế là liền quyết định đến đó để nhờ cậy. Đứa bé gái đó chính là lão cung nữ vất bỏ, về sau do bởi đứa bé lớn lên ở nước Bao , người nhận nuôi dưỡng họ Tự , cho nên người ta gọi đứa bé đó là Bao Tự 褒姒.

          “Yểm hồ ki phục” là công cụ mà thời Tây Chu, đàn ông con trai thường dùng để học bắn, giá cả rất rẻ, lại dễ làm. Tại sao đột nhiên lại cấm bán và cấm sử dụng? Nhân vì có một lần Tuyên Vương ra ngoài, nghe thấy mấy đứa trẻ trên đường hát rằng:

Yểm hồ ki phục, thật vong Chu quốc.

檿箕服, 实亡周国

          Tuyên Vương thấy lời bài hát như gai đâm vào tai, rất không vui, sai người đi hỏi mấy đứa trẻ đó:

- Bài hát đó từ đâu mà ra?

Bọn trẻ đáp rằng:

- Mấy ngày trước có một cô gái mặc áo đỏ dạy.

          - Hiện cô gái đó ở đâu?

          Bọn trẻ đáp

          - Không biết.

          Tuyên Vương sau khi về cung lập tức truyền lệnh: Từ nay không được làm, và sử dụng yểm hồ ki phục, người nào trái lệnh sẽ bị xử tử. Nhân vì mệnh lệnh đó phát ra mới được mấy ngày, dân quê làm sao biết được, cho nên đôi vợ chồng nọ suýt chút nữa thành quỷ chết oan.

          Sau khi Tuyên Vương qua đời, U Vương 幽王 kế vị. U vương lên ngôi mới hai năm, khu vực ba con sông (Vị , Kinh , Lạc ) liên tiếp phát sinh động đất mạnh. Sau trận động đất, dòng chảy ba con sông đều khô cạn, Kì sơn 岐山 cũng sụp, sinh mệnh và tài sản của nhân dân gặp phải sự tổn thất nghiêm trọng, bị phá hoại nặng nề, nhưng U Vương không hề quan tâm chút nào, luôn chìm đắm trong thanh sắc. U Vương nhậm mệnh Quắc Thạch Phủ 虢石父làm đại thần, quản lí sự vụ hành chính của đất nước. Quắc Thạch Phủ làm việc gì cùng đều muôn lấy lòng U Vương, được U Vương sủng tín, ông ta bài xích nhân sĩ chính nghĩa trong triều, độc nắm đại quyền, thâu tóm tài sản của dân. Thiên tai nhân hoạ khiến tiếng oán thán của dân đầy đường. Đương thời trong số đại thần có người nhìn thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, vô cùng cảm khái nói rằng:

          - Triều Chu của chúng ta sắp diệt vong rồi.

          Khi U Vương lên ngôi, lập vương hậu Khương thị, là con gái của Thân Hầu, xưng là Thân Hậu. Thân Hậu sinh người con tên là Nghi Cữu 宜臼, được lập làm thái tử. Ngày nọ U Vương lâm triều, Quắc Thạch Phủ tiến lên tâu rằng:

          - Nước Bao đã từ lâu không đến tiến cống.

          U Vương nói rằng:

          - Chư hầu không làm trọn nghĩa vụ của mình, cần phải đem quân thảo phạt.

          Nước Bao là tiểu quốc, nghe tin U Vương đem binh đến chinh phạt vô cùng lo sợ, vội bàn biện pháp ứng phó. Họ biết U Vương thích nhất là mĩ nữ, thế là liền phái người đến dân gian tìm. Vừa lúc ấy Bao Tự đã trưởng thành, mục tú mi thanh, môi đỏ răng trắng, tuy là cô gái nông thôn nhưng hơn cả quốc sắc thiên tư, dung mạo xinh đẹp được cả làng ngợi khen. Điều đó đương nhiên là người được tuyển chọn. Ngoài ra, lại tìm thêm 9 người cho đủ số để dâng lên U Vương, xin U Vương xá miễn cho tội không tiến cống. U Vương thu nhận mĩ nữ, liền thu binh. Ngày nọ, U Vương lúc thoái triều đến hậu cung dạo chơi, triệu tập mĩ nữ các nước tiến cống đến. Sau khi nhìn khắp, cảm thấy đều rất bình thường, không có nhân vật nào xuất sắc hợp ý. Đương lúc cúi đầu trầm tư cảm thấy có chút thất vọng, có một cung nữ bưng li mĩ tửu đến trước mặt. U Vương từ từ nhận qua li rượu, bỗng nhiên nhìn thấy đôi tay bưng li rượu kia nhỏ nhắn trắng trẻo, giống như rễ cây hành nhú ra lúc mùa xuân, trong lòng kinh động, ngước mắt nhìn cô ta, quả thực là hoa dung nguyệt mạo. U Vương phút chốc ngẩn ngơ. Qua một lúc sau, U Vương hỏi cung nữ từ nước nào đến. Cung nữ đáp rằng:

          - Từ nước Bao đến, họ là Tự.

          Thế là U Vương lập tức đưa cung nữ đến một cung khác, vô cùng sủng ái, gác bỏ các hậu phi ra, hằng ngày chỉ cùng Bao Tự uống rượu vui đùa, hoàn toàn bỏ mặc quốc sự.

          Chẳng bao lâu, Bao Tự sinh được một người con, đặt tên là Bá Phục 伯服. U Vương đương nhiên xem đứa bé đó là trân bảo. Bao Tự tuy được U Vương sủng ái dị thường, nhưng trước giờ chưa nở nụ cười. U Vương cảm thấy kì lạ, đôi ba lần gặng hỏi có tâm sự gì không, tại sao không vui. Bao Tự chỉ nói bình thường cũng chưa từng cười qua, không có tâm sự gì. U Vương nói rằng:

          - Dung mạo như nàng, nếu như cười lên, nhất định càng thêm kiều diễm. Bất luận như thế nào ta cũng tìm cách để nàng cười.

          Quả thực U Vương khổ tâm, dùng nhiều cách để có được tiếng cười của Bao Tự, mà Bao Tự vẫn như xưa, chưa từng cười. Thân Hậu thấy U Vương say đắm Bao Tự, đến mức thần hồn điên đảo, đương nhiên có chút oán hận, cũng từng nhiều lần đề xuất khuyến cáo U Vương. U Vương lúc này có thể nghe lọt tai sao? Liền phế truất Thân Hậu, lập Bao Tự làm vương hậu, cũng phế luôn thái tử Nghi Cữu, lập Bá Phục làm thái tử. Chế độ đích trưởng tử kế thừa là chế độ tông pháp do thời Tây Chu kiến lập. Hiện phế trưởng lập thứ, đương nhiên dẫn đến triều chính hỗn loạn, rất nhiều chư hầu thừa dịp cũng nối nhau làm phản. Thái sử Bá Dương 伯阳 đương thời nói rằng:

          - Tai hoạ sắp giáng xuống đầu chúng ta, đã không có cách nào cứu vãn được.

                                                                           (còn tiếp)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 22/5/2021

Nguyên tác Trung văn

LI SƠN LANG YÊN

骊山狼烟

 Trong quyển

SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ

史记故事精粹

Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓

Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001

Previous Post Next Post