DẪU RẰNG VẬT
ĐỔI SAO DỜI (3087)
Vật đổi sao dời: Trong Đằng Vương các tự 滕王閣序 của
Vương Bột 王勃 đời
Đường có bài thơ:
Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Hoạ đống triêu phi Nam Phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỉ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu
滕王高閣臨江渚
佩玉鳴鑾罷歌舞
畫棟朝飛南浦雲
朱簾暮卷西山雨
閒雲潭影日悠悠
物換星移幾度秋
閣中帝子今何在
檻外長江空自流
(Gác Đằng Vương cao cao bên bờ sông
Quý tộc đeo ngọc bội, ngồi xe gắn chuông kêu vang không
còn đến đây ca hát
Buổi sớm, những hàng cột vẽ trông giống như mây từ Nam
Phố bay đến
Chiều tối, rèm châu cuốn lên như cuốn cả cơn mưa ở Sơn
Tây
Mây in bóng trên đầm, ngày trôi dằng dặc khôn cùng
Vật đổi sao dời không biết đã qua mấy độ thu
Đằng Vương trong gác giờ ở nơi đâu?
Chỉ thấy nước Trường giang bên ngoài lan can tự chảy.)
Dẫu rằng vật
đổi sao dời
Tử sinh, cũng
giữ lấy lời tử sinh
(“Truyện Kiều” 3087 – 3088)
Vật đổi sao
dời: Chữ Hán là “vật hoán tinh di” tức
vật đổi hình trạng, sao dời vị trí, chỉ sự biến thiên.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Vương bột Đằng vương các thi: Vật hoán tinh
di kỉ độ thu.
王勃滕王閣詩: 物換星移幾度秋
(Thơ Đằng
vương các của ông Vương Bột: Vật đổi sao dời mấy độ thu)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: “Vật hoán tinh di” 物換星移 tức vật đổi sao dời, được dùng làm thành ngữ. Thành ngữ này ví sự biến đổi của thời gian. Theo ý riêng, "vật đổi sao dời" ở câu 3087, Nguyễn Du đã theo thành ngữ “Vật hoán tinh di” này.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/5/2021