Dịch thuật: Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh (2672) ("Truyện Kiều")

 

TRƯỚC HÀM RỒNG CÁ GIEO MỒI VẮNG TANH (2672)

          Đỗ Phủ 杜甫 ở bài Thu hứng 秋兴 thứ 4 viết rằng:

Văn đạo Trường An tự dịch kì

Bách niên thế sự bất thăng bi

Vương Hầu đệ trạch giai tân chủ

Văn võ y quan dị tích thì

Trực bắc quan sơn kim cổ chấn

Chinh tây xa mã vũ thư trì

Ngư long tịch mịch thu giang lãnh

Cố quốc bình cư hữu sở ti

闻道长安似弈棋

百年世事不胜悲

王侯第宅皆新主

文武衣冠易昔时

直北关山金鼓震

征西车马羽书驰

鱼龙寂寞秋江冷

故国平居有所思

(Nghe nói chính sự ở Trường An giống như một cuộc cờ

Thế sự trăm năm khiến người ta ngăn không được nỗi bi thương

Phủ đệ của các Vương Hầu đã thay chủ mới

Áo mão của văn thần võ tướng triều đình khác với ngày xưa

Nơi trực bắc, Hồi Hột gây hấn, chấn động tiếng chiêng tiếng trống chiến tranh

Ở phía tây, Thổ Phồn xâm nhập, ngựa xe phát hịch truyền đi khẩn cấp

Rồng cá đều vắng lặng, sông thu cũng lạnh lẽo thê lương

Vẫn luôn nhớ đến cuộc sống thường ngày bình yên nơi chốn cũ Trường An.)

http://www.ruiwen.com/wenxue/dufu/19691.html

Giữa dòng nước dẫy sóng giồi

Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh.

(“Truyện Kiều” 2671 – 2672)

Rồng cá: Rồng và cá.

Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh: Chúng tôi phiên theo KOM. Thuý Kiều gieo mình xuống làm mồi cho loài rồng cá ở quãng sông vắng vẻ. Nhiều bản giải nghĩa mỗi bản một cách. Bản Tản Đà phiên là băng tinh và giải thích là cái thân trong trắng như băng, như thuỷ tinh. Nhưng Kiều là gái giang hồ thì băng tinh sao được? Bản Nguyễn Văn Hoàn theo bản Kinh phiên là thuỷ tinh, nhưng lại giải thích là thuỷ tộc, phải viết là 水精 chứ không phải là 水晶 như trong bản Kinh. Nó cũng không phải viết là 水星 như trong lần xuất bản thứ nhất, vì thuỷ tinh viết thế là tên một ngôi sao, chứ không phải chỉ pha lê. Chúng tôi tán thành nhận xét trên đây của anh N.Q.T và cho rằng phiên 水腥 vắng tanh là đúng. Chính cụ Đào cũng đã nói: các bản nôm đều chép là gieo mồi vắng tanh, duy TVK chép là gieo mồi thuỷ tinh.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Đường thi: Ngư long tịch mịch Thu giang lãnh.

          唐詩: 魚龍寂寞秋江冷

          (Thơ Đường: Cá rồng vắng ngắt sông Thu lạnh)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)  

Xét: Theo ý riêng, với câu 2672 này, Nguyễn Du đã liên tưởng đến câu “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh” của Đỗ Phủ. Rồng cá ở đây phiếm chỉ loài thuỷ tộc. Đến mùa thu loài thuỷ tộc lặn chìm xuống, không hoạt động trên mặt nước.  “Vắng tanh” là Nguyễn Du dịch từ “tịch mịch” 寂寞. Theo Thuỷ kinh chú 水经注:

Ngư long dĩ thu đông vi dạ

鱼龙以秋冬为夜

(Loài cá loài rồng lấy mùa thu mùa đông làm đêm)

          Vì là vào thu, loài thuỷ tộc lặn sâu nên “tịch mịch”, sông trở nên lạnh lẽo thê lương. Câu 2672 này cũng có ý nói lúc Thuý Kiều gieo mình xuống sông là lúc đương vào thu.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2672 là:

Giữa dòng nước CHẢY, sóng dồi

 Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2671 và 2672 là:

Giữa VÒNG nước dẫy sóng giồi

Trước hàm rồng cá gieo mồi THUỶ TINH

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 11/4/2021

Previous Post Next Post