Dịch thuật: Tam công Cửu khanh

 

TAM CÔNG CỬU KHANH 

          Tam công Cửu khanh 三公九卿 là quan chế trung ương xác lập thời triều Tần. Tam công 三公 là 3 quan viên cao nhất phụ trợ quốc quân thời cổ, Cửu khanh 九卿 là 9 quan viên cao cấp của chính phủ trung ương. Đời Chu từng xuất hiện qua “Tam công Lục khanh” 三公六卿, là Thái sư 太师, Thái bảo 太保, Thái phó 太傅 phò tá hoàng đế làm Tam công, lấy Trủng tể 冢宰 (tổng quản quân chính), Tư mã 司马 (phụ trách quân vụ), Tư khấu 司寇 (phân quản hình phạt), Tư không 司空 (phụ trách công trình),  Tư đồ 司徒 (phụ trách dân chính), Tông bá 宗伯 (phụ trách lễ nghi) làm Lục khanh. Về sau sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất 6 nước, theo kiến nghị của Lí Tư, kiến lập chế độ trung ương tập quyền lấy hoàng đế là tôn quý, lấy Tam công Cửu khanh làm làm quan chế trung ương.

Tam công lần lượt là: Thừa tướng 丞相, Thái uý 太尉, Ngự sử đại phu 御史大夫, trong đó:

- Thừa tướng chủ quản hành chính toàn quốc.

- Thái uý phụ trách nắm giữ quân chính toàn quốc.

- Ngự sử đại phu phụ trách câu thông giữa hoàng đến với quần thần đồng thời giám đốc quần thần.

          Cửu khanh lần lượt là:

- Phụng thường 奉常 (chưởng quản lễ nghi tông miếu, đứng đầu Cửu khanh).

- Lang trung lệnh 郎中令 (lãnh đạo thị vệ cung đình)

- Vệ uý 卫尉 (chưởng quản cảnh vệ cung môn)

- Thái bộc 太仆 (chưởng quản ngự mã cung đình và mã chính quốc gia)

- Đình uý 廷尉 (phụ trách tư pháp)

- Điển khách 典客 (phụ trách sự vụ ngoại giao)

- Tông chính 宗正 (phân quản sự vụ hoàng tộc)

- Trị túc nội sử 治粟内史 (chưởng quán phú thuế dao dịch)

- Thiếu phủ 少府 (phụ trách tài chính cung đình).

          Cơ cấu cơ bản của Tam công Cửu Khanh được đời Hán dùng theo, chỉ là danh xưng cụ thể có biến đổi. Thừa tướng được đổi gọi là “Đại tư đồ” 大司徒, Thái uý đổi gọi là “Đại tư mã” 大司马, Ngự sử đại phu đổi gọi là “Đại tư không” 大司空. Phụng thường trong Cửu khanh đổi thành “Thái thường” 太常, Đình uý đổi thành “Đại lí” 大理, Điển khách đổi thành “Đại hồng lô” 大鸿胪, Trị túc nội sử đổi thành “Đại tư nông” 大司农. Chẳng qua chức trách cơ bản thay đổi không lớn.

          Sự kiến lập chế độ Tam công Cửu khanh lần đầu tiên đã xác lập chế độ trung ương tập quyền. Ngoài ra, có thể nhìn thấy đại bộ phận quan chức trong Cửu khanh vốn đều chỉ là nô bộc phụ trách sự vụ hoàng gia, nhưng lại đảm nhận chức trách xử lí sự vụ quốc gia, điều đó cũng bộ lộ chỗ thô ráp giữa gia sự hoàng đế và quốc sự ở lúc ban đầu kiến lập chế độ. Từ triều Tần đến thời Lưỡng Tấn, các vương triều đều lấy chế độ Tam công Cửu khanh làm cơ cấu quan chế trung ương làm cơ bản, mãi đến đời Văn Đế 文帝 triều Tuỳ sáng lập chế độ Tam sảnh Lục bộ 三省六部, Tam công Cửu khanh mới tuyên cáo kết thúc. Nhưng sự thực, chế độ Tam sảnh Lục bộ vẫn chịu ảnh hưởng chế độ Tam công Cửu khanh.  

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 18/4/2021

Nguồn

BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

不可不知的 3.000 个文化常识

Biên soạn: Tinh Hán 星汉

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post