Dịch thuật: Tại sao người xưa dùng "trầm ngư lạc nhạn" "bế nguyệt tu hoa" để hình dung thiếu nữ xinh đẹp

 

TẠI SAO NGƯỜI XƯA  DÙNG “TRẦM NGƯ LẠC NHẠN”  

“BẾ NGUYỆT TU HOA” ĐỂ HÌNH DUNG THIẾU NỮ XINH ĐẸP 

          Những cô gái “trầm ngư lạc nhạn” 沉鱼落雁, “bế nguyệt tu hoa” 闭月羞花 nhất định là khuynh thành khuynh quốc. Thế thì, “trầm ngư lạc nhạn” “bế nguyệt tu hoa” này từ đâu mà ra?

          Kì thực, “trầm ngư lạc nhạn” “bế nguyệt tu hoa” là để chỉ tứ đại mĩ nữ thời cổ của Trung Quốc. Dung mạo xinh đẹp của họ không chỉ nam nhân xiêu lòng mà ngay cả thảo mộc sinh linh cũng đều phải thất sắc.

          Nói về “trầm ngư” 沉鱼 là nói đến Tây Thi 西施. Tương truyền là người nước Việt thời Xuân Thu, bị đưa đến nước Ngô để mê hoặc Ngô Vương 吴王, cuối cùng giúp Câu Tiễn 勾践 phục quốc. Tây Thi vốn là một cô gái giặt lụa bên khe suối, bóng của cô trong nước cùng với tay áo hỗ tương lay động, mĩ diễm tuyệt luân. Cá trong nước nhìn thấy cô gái xinh đẹp như thế, quên cả vẫy đuôi, bất giác chìm xuống đáy nước. Vì vậy người ta khổ công tìm mà không thấy nét đẹp để hình dung Tây Thi, bèn gọi nét đẹp đó là “trầm ngư chi sắc” 沉鱼之色.

          Nói về “lạc nhạn” 落雁 là nói đến Vương Chiêu Quân 王昭君. Vương Chiêu Quân là Dịch đình đãi chiếu 掖庭待诏 (1) của Hán Nguyên Đế 汉元帝, nhưng không có duyên được gặp quân vương. Hung Nô Hô Hàn Da 呼韩耶 đến triều đình, nguyện hoà thân cùng triều Hán. Hán Nguyên Đế đáp ứng tuyển chọn cung nữ nơi hậu cung. Vương Chiêu Quân thà đi xa đến đại mạc, chứ không muốn chết già chốn thâm cung, thế là nàng mạnh dạn bước ra, tự nguyện hoà thân. Lúc lên đường, hoàng đế nhìn thấy dung mạo của nàng vô cùng xinh đẹp, hối hận thì đã muộn. Trên đường đến Hung Nô, Chiêu Quân tay ôm đàn tì bà đàn, tiếng đàn ai oán. Bầy chim nhạn bay về phương nam nghiêng tai nghe, mê mẩn trước vẻ đẹp và tiếng ca của nàng, trong phút chốc quên bay, cả bầy liên tiếp rơi xuống đất. Thế là Chiêu Quân xuất tái có được tiếng khen là “lạc nhạn” 落雁.

          Nói về “bế nguyệt” 闭月 là nói đến Điêu Thiền 貂蝉. Điêu Thiền là ca nữ của Tư đồ Vương Doãn 王允 cuối đời Đông Hán, không những xinh đẹp mà còn có lòng ưu quốc ưu dân. Để giúp Vương Doãn giữ được xã tắc Đông Hán, dưới sự tranh nhau giữa Đổng Trác 董卓 và Lữ Bố 吕布, Điêu Thiền cuối cùng khiêu khích Lữ Bố giết chết Đổng Trác. Điêu Thiền thích thưởng hoa ngắm trăng. Ngày nọ lúc nàng ngắm trăng, sau khi trăng ẩn vào đám mây, mọi người cảm thán rằng: Ngay cả Thường Nga 嫦娥 cung Quảng Hàn 广寒 cũng tự thẹn không đẹp bằng Điêu Thiền. Cho nên, vẻ đẹp của Điêu Thiền có được tiếng khen là “bế nguyệt” 闭月.

          Nói về “tu hoa” 羞花 là nói đến Dương Ngọc Hoàn 杨玉环. Dương Ngọc Hoàn không chỉ thân thể đẫy đà mà còn đa tài đa nghệ, được chiều chuộng một đời, cuối cùng hương tiêu ngọc nát trong đám loạn quân tại Mã Ngôi 马嵬. Vóc dáng của nàng khỏi phải nói nhiều, chỉ riêng nói về dung mạo xinh đẹp, ngày nọ, Ngọc Hoàn đang dạo trong vườn hoa, trăm hoa đang đua nở thấy nàng liền khép cánh hoa lại. Cung nữ trông thấy đều cảm thán: Ngay cả hoa cũng cảm thấy thua nàng. Thế là từ “tu hoa” 羞花 từ đó mà ra.

          Đến nay, đối với những cô gái xinh đẹp, người ta khen ngợi là “trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa”.

Chú của người dịch 

1- Dịch đình 掖庭: cũng viết 掖廷, 液廷, là nơi cung nữ cư trú, do Dịch đình lệnh 掖廷令quản lí.

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 06/4/2021 

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post