HOA CHÀO NGÕ HẠNH,
Hoa chào ngõ hạnh: ý nói thi đậu.
Lúc Tô
Thức 苏轼 nhậm
chức Tri châu tại Từ Châu 徐州, đồng hương với ông
là Trương Sư Hậu 张师厚lên kinh thành Khai Phong 开封
thi điện, trên đường ghé lại thăm. Lúc từ biệt, Tô Thức tổ chức tiễn biệt tại
đình Phóng Hạc 放鹤, đồng thời làm 2 bài thơ Tống Thục
nhân Trương Sư Hậu phó điện thí nhị thủ 送蜀人张师厚赴殿试二首 để tặng. Ở
bài thứ hai có hai câu:
Nhất sắc hạnh hoa hồng thập lí
Tân lang quân khứ mã như phi
一色杏花红十里
新郎君去马如飞
(Sắc của hoa hạnh đỏ cả suốt mười dặm
Tân khoa tiến sĩ lên đường, ngựa phi như bay)
Theo
truyền thuyết, hoa hạnh nở vào tháng 2 âm lịch, đúng vào dịp thi, cho nên hoa
còn có tên là “Cập đệ hoa” 及第花 (hoa thi đậu). Còn “tân lang” 新郎 cách xưng hô bắt
đầu từ thời Đường gọi tân khoa tiến sĩ. Thời Tống, vào thời gian đó, bên sườn
tây của núi Vân Long 云龙, hoa hạnh nở kéo
dài từ bắc xuống nam, sắc đỏ của hoa hạnh nổi bật trong rừng tùng xanh biếc, phản
chiếu ánh nắng chiều của mùa xuân, hoà cùng tiếng hót của loài xuân điểu đang
quay về rừng tạo nên cảnh đẹp của Từ Châu.
http://www.haoshici.com/3641lns.html
http://blog.sina.com.cn/s/blog_48f3e7570100db4e.html
Và
trong Trang Tử - Tạp thiên – Ngư phủ đệ
tam thập nhất 庄子 - 杂篇 - 渔父第三十一 có
chép:
Khổng Tử du hồ Tri Vi chi lâm, hưu toạ hồ hạnh
đàn chi thượng. Đệ tử độc thư, Khổng Tử đàn ca cổ cầm.
孔子游乎缁帏之林, 休坐乎杏坛之上. 弟子读书, 孔子弹歌鼓琴.
(Khổng
Tử dạo chơi nơi rừng Tri Vi, ngồi nghỉ nơi hạnh đàn. Đệ tử đọc sách, Khổng Tử
đánh đàn ca hát)
Có thuyết
khiên cưỡng cho rằng “hạnh đàn” 杏坛chính là trước điện
Đại Thành 大成 tại
Khổng miếu 孔庙 ở
Khúc Phụ 曲阜. Thời Tống, người cháu đời thứ 45 của Khổng Tử 孔子 là
Khổng Đạo Phụ 孔道辅 khi
tu sửa tổ miếu, đã dời chính điện ra sau, lấy khoảng trống đắp đàn, trồng cây hạnh
chung quanh, gọi đó là “hạnh đàn” 杏坛.
“Hạnh đàn” trong truyền thuyết
chỉ nơi Khổng Tử tụ tập môn đệ để truyền thụ kinh sách, hiện cũng dùng để phiếm
chỉ nơi dạy học.
https://zhidao.baidu.com/question/12403998.html
Hương bay dặm
phần: ý nói thi đậu vinh hiển trở về
lại quê nhà.
Theo
truyền thuyết, thời cổ cha mẹ thường trồng cây tử và cây phần quanh nhà, nên
trong văn học cổ thường dùng “tử phần” 梓枌,
“phần tử” 枌梓, “tử lí” 梓里 để chỉ quê
hương”.
Cao
Thích 高适 trong
bài Tống Trung tống tộc điệt Thức Nhan 宋中送族侄式颜 có
viết:
Huynh đệ mạc tương kiến
Thân tộc viễn phần tử
兄弟莫相见
亲族远枌梓
(Huynh đệ chẳng gặp được ai
Thân tộc cũng đã rời xa làng quê)
“Phần tử” 枌梓 chú
thích rằng: “đại chỉ hương lí” 代指乡里 (chỉ quê hương).
https://baike.baidu.com/item/%E5%AE%8B%E4%B8%AD%E9%80%81%E6%97%8F%E4%BE%84%E5%BC%8F%E9%A2%9C
Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần
(“Truyện Kiều” 2861 – 2862)
Ngõ hạnh: Đường
ở trong hạnh viên là vườn của nhà vua, cho các tiến sĩ mới đỗ vào ăn yến và xem
hoa.
Dặm phần: Đường
về quê hương.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Đường thi: Nhất sắc hạnh hoa hồng thập lý,
tân lang quân khứ mã như phi.
唐詩: 一色杏花紅十里, 新郎君去馬如飛
(Thơ Đường:
Hạnh hoa mười dặm sắc hồng, Tân lang (chàng Tân khoa) duổi ngựa trên đường như
bay)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Câu “Hoa chào ngõ hạnh” lấy ý từ 2 câu trong bài Tống Thục nhân Trương Sư Hậu phó điện thí nhị
thủ 送蜀人张师厚赴殿试二首 của
Tô Thức 苏轼.
Về tiêu
đề bài này, có tư liệu ghi là “Đề Vân
Long sơn Phóng Hạc đình” 題云龍山放鶴亭.
Theo ý riêng, câu 2862 trong “Truyện Kiều”, Kim Trọng và Vương Quan thi đậu (hoa chào ngõ hạnh), vinh hiển trở về lại quê nhà (hương bay dặm phần).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/4/2021