Dịch thuật: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (2748) ("Truyện Kiều")

 

HOA ĐÀO NĂM NGOÁI CÒN CƯỜI GIÓ ĐÔNG (2748)

Tương truyền vào thời Đường, thi nhân Thôi Hộ 崔護 một năm nọ nhân tiết Thanh Minh 清明, một mình đi đến phía nam thành dạo chơi, bất chợt nhìn thấy một gian nhà nhỏ bốn bên hoa đào đang nở rộ, phong cảnh đẹp như tranh vẽ. Không ngăn được lòng hiếu kì, Thôi Hộ muốn thăm chủ nhân của gian nhà, thế là liền bước tới gõ cửa. Ngoài dự đoán, ra mở cửa là một cô gái xinh đẹp, ân cần chào hỏi, khiến Thôi Hộ vô cùng kinh ngạc. Lần gặp đó, Thôi Hộ nhớ mãi không quên.

Năm sau cũng vào tiết Thanh Minh, Thôi Hộ muốn đến nơi kì ngộ của năm trước, thế là theo đường cũ đến, hi vọng có thể gặp được cô gái đẹp tựa hoa đào. Nào ngờ khi đến nơi ấy, nhìn thấy bốn bên hoa đào vẫn đang nở, nhưng phía sau khóm hoa đào kia, gian nhà nhỏ cửa đã khoá, không thấy bóng người. Thôi Hộ vô cùng thất vọng, tần ngần trước cửa một hồi lâu, không ngăn nỗi buồn thương bèn đề lên trên cánh cửa bài thơ thất ngôn tuyệt cú.

去年今日此門中

人面桃花相映紅

人面不知何處去

桃花依舊笑春風

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu xuân phong

(Năm ngoái vào ngày này cũng tại nơi cửa này

Mặt cô gái và hoa đào cũng phản chiếu sắc đỏ

Năm nay không biết cô gái đi nơi nào

Chỉ thấy hoa đào y như năm ngoái đang cười với gió xuân)

Về sau, “nhân diện đào hoa” 人面桃花 được dùng làm thành ngữ, hình dung cô gái có dung mạo xinh đẹp, và cũng được dùng để hình dung nỗi thương cảm về một cảnh sắc tươi đẹp như xưa mà người đã đi nơi khác.

https://all4test.wordpress.com/category/%E4%BA%BA%E9%9D%A2%E6%A1%83%E8%8A%B1/  

Theo tài liệu này và theo Đường thi tam bách thủ 唐诗三百首 do Nhiếp Xảo Bình 聂巧平 chú dịch thì câu cuối là “Đào hoa y cựu tiếu xuân phong” 桃花依舊笑春風..

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

(“Truyện Kiều” 2747 – 2748)

Hai câu 2747 – 2748 là phỏng dịch hai câu của Thôi Hộ đời Đường “Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong”, nghĩa là “Mặt người không biết đi đâu mất, Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ”. Nguyễn Du thêm vào mấy chữ “trước”, “sau”, “năm ngoái” để cụ thể hoá tâm trạng của Kim Trọng, để chuyển một tứ thơ đã quen thuộc thành mới mẻ.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Thôi Hộ thi: Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong.

          崔護詩: 人面不知何處去桃花依舊笑東風

          (Thơ ngươi Thôi Hộ: Mặt người chẳng biết đi đâu tá, hoa đào như cũ vẫn cười gió đông)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Câu 2747 và 2748 trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã phỏng dịch từ hai câu trong bài Đề Đô thành nam trang 題都城南莊 của Thôi Hộ 崔護 đời Đường.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu xuân phong

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 12/4/2021

Previous Post Next Post