Dịch thuật: Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày (2750) ("Truyện Kiều")

 

CỎ LAN MẶT ĐẤT RÊU PHONG DẤU GIÀY (2750)

          Trường Can hành 长干行  là tác phẩm tự sự ái tình gồm 2 bài của Lí Bạch 李白. Lí Bạch dùng thủ pháp tự thuật, thuật lại lời của thiếu phụ có chồng là thương nhân đi xa. Bài thơ phản ánh tình cảm của người vợ từ các mặt của cuộc sống qua từng giai đoạn, triển hiện một bức tranh sinh động, tạo ra được hình tượng nghệ thuật người vợ nhớ chồng, truy cầu một cuộc sống lí tưởng. Ở bài thứ nhất có đoạn:

Môn tiền trì hành tích

Nhất nhất sinh lục đài

Đài thâm bất năng tảo

Lạc diệp thu phong tảo

门前迟行迹

一一生绿苔

苔深不能扫

落叶秋风早

(Trước cửa là dấu chân của chàng chần chừ khi ra đi

Những dấu chân này dần dần đã bị rêu xanh phủ kín

Rêu mọc dày không thể quét

Lá cây rụng trong gió thu đến sớm)

https://baike.baidu.com/item/%E9%95%BF%E5%B9%B2%E8%A1%8C%E4%BA%8C%E9%A6%96/3544094?fromtitle=%E9%95%BF%E5%B9%B2%E8%A1%8C&fromid=7247065

Xập xè, én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày

(“Truyện Kiều” 2749 – 2750)

Rêu phong dấu giày: Dấu giày đã bị rêu phủ kín tựa hồ như gói dấu giày mà không làm mất đi.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Theo ý riêng, khi viết câu 2750, có lẽ Nguyễn Du đã liên tưởng đến đoạn này.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2749 là:

Xập XOÈ én liệng RƯỜNG không

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2749:

Xập xè én LẠNH lầu không

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 13/4/2021

Previous Post Next Post