Dịch thuật: Chủ biên "Hoài Nam Tử" - Lưu An (tiếp theo)

 

CHỦ BIÊN “HOÀI NAM TỬ” - LƯU AN

(tiếp theo) 

Đạo học đại thành – “Hoài Nam Tử”

          Hoài Nam Vương Lưu An 淮南王刘安 mang trong lòng nỗi oán hận và ân hận, vội vàng đi trên con đường không trở về (bất quy chi lộ 不归之路), nhưng kẻ sĩ bác học này đã để lại cho người đời sau bộ trứ tác đồ sộ Hoài Nam Tử 淮南子 vượt thời đại, một gia tài tinh thần quý báu – được cận đại học nhân Lương Khải Siêu 梁启超 khen ngợi là “Hán nhân trứ thuật trung đệ nhất lưu” 汉人著述中第一流. Bộ Hoài Nam Tử 淮南子 còn có tên là Hoài Nam Hồng Liệt 淮南鸿烈, Lưu An Tử 刘安子, Kinh học gia Lưu Hướng 刘向 thời Tây Hán khi hiệu định gọi tên là “Hoài Nam淮南, là bộ trứ tác do Lưu An cùng tập thể môn khách của ông biên soạn. Bộ sách này tuy nhiều người hợp tác hoàn thành, nhưng Lưu An “vi nhân hiếu thư” 为人好书 (người ham đọc sách” “thiện vi văn từ” 善为文辞 (giỏi làm văn từ) được công nhận là “chủ biên” danh xứng với thực. Hoài Nam Tử về đại thể cũng phản ánh được tư tưởng của con người ông.

          Hoài Nam Tử có 21 thiên Nội thiên 内篇, 33 thiên Ngoại thiên 外篇, “Nội thiên luận Đạo, Ngoại thiên tạp thuyết”, hơn 20 vạn chữ, đến nay tồn tại chỉ có Nội thiên, nội dung liên quan đến các lĩnh vực như: chính trị học, triết học, luân lí học, sử học, văn học, kinh tế học, vật lí, hoá học, thiên văn, địa lí, nông nghiệp thuỷ lợi, y học dưỡng sinh ... bao la vạn tượng, nhưng tập trung thể hiện tư tưởng Đạo gia. Sách này trên cơ sở kế thừa tư tưởng Đạo gia thời Tiên Tần, còn tổng hợp các bộ phận tinh hoa trong học thuyết của chư tử bách gia, có tác dụng không thể thay thế đối với việc nghiên cứu văn hoá thời Tiên Tần của đời sau.

“Vô vi” tích cực tiến thủ

          Hoài Nam Tử là bộ sách tổng kết lí luận Hoàng Lão học 黄老学đầu đời Hán. “Hoàng” chỉ Hoàng Đế 黄帝, “Lão” chỉ Lão Tử 老子, học phái Hoàng Lão là học phái lấy Hoàng Đế làm chỗ dựa, phát dương tư tưởng Lão Tử. Hoàng Lão học đầu đời Hán đã đem “vô vi nhi trị” 无为而治 của Đạo gia từ lí luận đẩy đến thực tiễn, có tác dụng tích cực đối với sự ổn định và phát triển của xã hội đương thời. Đối với “vô vi”, Hoài Nam Tử đã có sự giải thích mới, phê bình tư tưởng tiêu cực của Đạo gia thời Tiên Tần:

          “Hoặc viết: ‘Vô vi giả, tịch nhiên vô thanh, mạc nhiên bất động, dẫn chi bất lai, thôi chi bất vãng. Như thử giả, nãi đắc đạo chi tượng.’ Ngô dĩ vi bất nhiên.”

          或曰: ‘无为者, 寂然无声, 漠然不动, 引之不来, 推之不往. 如此者, 乃得道之象.’ 吾以为不然. 

          (“Có người nói rằng: ‘Vô vi là lặng yên không lên tiếng, im lìm không cử động, kéo không lại, đẩy không đi. Giống như vậy mới gọi là nắm được nguyên tắc của Đạo.’ Tôi thì không cho là như thế.”)

          Chỉ ra xã hội nhân loại đang không ngừng phát triển trong cuộc đấu tranh với tự nhiên, nếu như bó tay không làm, tứ chi bất động, muốn lập công nghiệp, duy trì sự sinh tồn thì là không thể. Nó đem tính năng động chủ quan của con người được phát huy chêm vào “vô vi”, chủ trương tôn trọng quy luật khách quan, nhưng phản đối con người trước quy luật khách quan lại co tay rút chân, không làm gì, cho rằng con người cần phải lợi dụng điều kiện khách quan để nhân theo xu thế phát triển mà hướng dẫn, dựa vào tác dụng năng động của chủ thể phát huy đem sự việc làm được thành công.

          Trong Hoài Nam Tử 淮南子 có nêu ví dụ nói rõ:

          Phù địa thế thuỷ đông lưu, nhân tất sự yên, nhiên hậu thuỷ lạo đắc cốc hành. Hoà giá xuân sinh, nhân tất gia công yên, cố ngũ cốc đắc toại trưởng. Thính kì tự lưu, đãi kì tự sinh, tắc Cổn Vũ chi công bất lập.

          夫地势水东流, 人必事焉, 然后水潦得谷行. 禾稼春生, 人必加工焉, 故五谷得遂长. 听其自流, 待其自生, 则鲧禹之功不立.

          (Phàm theo thế đất, nước chảy về đông, nhưng cũng cần phải kinh qua sự  khơi thông dẫn đường của con người, giòng nước sau đó mới thuận theo mà tuôn chảy. Mầm chồi ngũ cốc mùa xuân sinh trưởng, nhưng cũng phải cần con người gia công cày cấy, thì ngũ cốc mới có thể lớn được. Nếu cứ để cho giòng nước tự chảy, cứ để cho mùa màng tự lớn, thì ông Cổn ông Vũ làm gì lập được công lao.)

          Gọi là “nhân tất sự yên” 人必事焉, “nhân tất gia công yên” 人必加工焉, là chỉ tác dụng của nhân lực dùng vào đối tượng khách quan, cũng tức là con người tham gia vào tính chủ thể của thực tiễn. Thực tế này là sự phủ định vô vi tiêu cực của Đạo gia nguyên thuỷ, khiến tư tưởng vô vi của Đạo gia có đặc tính tiến thủ tích cực.   (hết)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 20/4/2021

Nguyên tác Trung văn

“HOÀI NAM TỬ” CHỦ BIÊN – LƯU AN

淮南子主编 - 刘安

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

 

Previous Post Next Post