Dịch Thuật: Tang Hoằng Dương (Tể tướng Trung Quốc)

 

TANG HOẰNG DƯƠNG

          Tang Hoằng Dương 桑弘羊 ( năm 152 – năm 80 trước công nguyên), Phó tướng (Ngự sử đại phu) thời Chiêu Đế 昭帝 triều Tây Hán, lí tài gia nổi tiếng, một trong những hiền tướng. Về sau nhân vì tham gia cùng Yên Vương 燕王 mật mưu trừ Hoắc Quang 霍光, phế Chiêu Đế, bị Hoắc Quang giết chết, hưởng niên 71 tuổi.

          Tang Hoằng Dương桑弘羊 người Lạc Dương 洛阳 (nay là thành phố Lạc Dương洛阳 tỉnh Hà Nam 河南), xuất thân trong một gia đình đại thương nhân. Thời Hán Vũ Đế 汉武帝, Tang Hoằng Dương từng trước sau đảm nhiệm qua các chức: Đại nông thừa 大农丞, Đại nông lệnh 大农令 (sau đổi là Đại tư nông 大司农), phụ trách quản lí kinh tế quốc gia.

          Trong thời gian nhậm chức, để cải cách chế độ tài chính, Tang Hoằng Dương từng dâng tấu chuẩn chỉnh đốn hoá tệ, đem quyền lực đúc hoá tệ quy về chính phủ trung ương, phế bỏ, tiêu huỷ tiền tệ của các quận quốc tự đúc, đồng thời đem đồng thống nhất giao cho chính phủ trung ương, do triều đình chỉ định các ngành có liên quan chế đúc loại tiền “ngũ thù” 五铢, làm hoá tệ thông dụng trong toàn quốc, khiến hoá tệ của triều Hán có được sự thống nhất ổn định, tiền ngũ thù còn lưu thông cho đến triều Tuỳ.

          Tang Hoằng Dương trước sau còn động viên 60 vạn lại dân, dời đến 4 quận vùng biên cương tây bắc khẩn hoang lập đồn điền, vừa khai phá biên cương, vừa tăng gia lực lượng biên phòng, có ảnh hưởng rất lớn đối với hình thế của triều Hán ngày sau.

          Tang Hoằng Dương còn chỉnh đốn việc kinh doanh muối và sắt, đem muối sắt quy về quan doanh, do chính phủ tổ chức sản xuất, phụ trách tiêu thụ, từ đó đã tăng thu nhập tài chính cho chính phủ.

          Tang Hoằng Dương đẩy mạnh phép quân thâu (quân thâu pháp 均输法) và phép bình chuẩn (bình chuẩn pháp 平准法). Phép quân thâu tức các loại cống phẩm mà các quận quốc phải giao nộp cho chính phủ trung ương, đều lấy sản phẩm nơi đó dùng giá thị trường nơi đó quy ra mà giao lên trên, sau đó do Quân thâu quan được chính phủ trung ương uỷ phái đem những sản phẩm này thống nhất điều vận đến các nơi cần để tiêu thụ, điều này vừa khiến chính phủ trung ương được lợi, mà cũng tránh được việc các quận quốc phái người đi khắp nơi thu mua cống phẩm khiên dân phải lao khổ mà tài vật cũng bị thương tổn. Phép bình chuẩn tức phái viên của chính phủ đem những sản phẩm quan doanh cùng những cống phẩm thu nhập từ các nơi tại kinh thành bán mắc mua rẻ, để ổn định vật giá, đánh bại thương nhân đầu cơ. Việc thực thi những cải cách này biểu hiện khuynh hướng trọng nông ức thương của Tang Hoằng Dương, có lợi cho sự phát triển kinh tế đương thời, cũng tăng gia rõ rệt quyền lực kinh tế của vương triều Hán, đồng thời có tác dụng tích cực nhất định trong lịch sử.

          Năm Hậu Nguyên 后元 thứ 2 (năm 81 trước công nguyên), Hán Vũ Đế bệnh và qua đời, con là Lưu Phất Lăng 刘弗陵 lên ngôi tức Chiêu Đế 昭帝. Tang Hoằng Dương cùng Hoắc Quang 霍光, tất cả 5 đại thần, được di mệnh làm Phụ chính đại thần.

          Năm Thuỷ Nguyên 始元 thứ 6 (năm 81 trước công nguyên). triều đình mệnh các nơi tiến cử hơn 60 kẻ sĩ hiền lương văn học đến kinh thành, trình bày nỗi khổ của dân gian, nghị luận thời chính, nội dung liên quan đếm các chính sách như chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hoá ... đặc biệt là những chính sách về muối sắt, quân thâu, bình chuẩn, chế độ hoá tệ mà Hán Vũ Đế thi hành. Về cơ bản, các hiền lương văn học có phủ định những chính sách đó không, Tang Hoằng Dương cùng với họ nghị luận, cho rằng những chính sách đó đều là tất yếu, chính xác. Về sau, có người đem những nghị luận đó chép và chỉnh lí thành sách, gọi là Diêm thiết luận 盐铁论, sử xưng lần họp đó là “Diêm thiết hội nghị” 盐铁会议, khiến độ nổi tiếng của Tang Hoằng Dương được tăng thêm trong lịch sử.

          Thời Chiêu Đế, Phụ chính đại thần Hoắc Quang nắm giữ triều chính. Tang Hoằng Dương cho rằng luận về quá trình công tác, luận về thành tích chính sự, mình đều trên Hoắc Quang, rất không phục đối với việc độc nắm đại quyền của Hoắc Quang. Ông từng muốn mưu lấy quan chức cho con em, nhưng cũng chưa được sự đồng ý của Hoắc Quang, dẫn đến mối quan hệ giữa hai người trở nên bất hoà.

          Tháng 9 năm Nguyên Phụng 元凤 thứ nhất (năm 80 trước công nguyên), để tranh đoạt đế vị, anh của Chiêu Đế là Lưu Đán 刘旦 muốn trước tiên trù khử Hoắc Quang, đã cùng với chị là Ngạc Ấp công chúa 鄂邑公主 bí mật bàn tính, chuẩn bị do Ngạc Ấp công chúa ra mặt bày tiệc mời Hoắc Quang đến, thừa cơ giết Hoắc Quang. Tang Hoằng Dương cũng tham gia cuộc mưu tính này. Nhưng sự việc bị một môn nhân trong phủ của Ngạc Ấp công chúa biết được, cáo mật với các đại thần có liên quan, Hoắc Quang bèn ra tay trước, hạ chiếu bắt những kẻ đã mật mưu. Lưu Đán và Ngạc Ấp công chúa tự sát, Tang Hoằng Dương bị xử tử, gia tộc bị diệt.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 03/3/2021

Nguyên tác Trung văn

TANG HOẰNG DƯƠNG

桑弘羊

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post