Dịch thuật: Nguỵ Trưng phạm nhan trực gián

 

NGUỴ TRƯNG PHẠM NHAN TRỰC GIÁN (1)

          Năm 580, Nguỵ Trưng 魏征 sinh ra tại Khúc Thành 曲城 Nguỵ Châu 魏州, từ nhỏ song thân đã qua đời, nhà rất nghèo, nhưng ông có chí hướng to lớn, khắc khổ đọc sách, học không ít bản lĩnh. Cuối đời Tuỳ, ông tham gia quân khởi nghĩa Ngõa Cương 瓦岗, về sau đầu bôn triều Đường, trở thành một vị quan Thị tùng theo hoàng thái tử Lí Kiến Thành 李建成.

          Sau sự biến Huyền Vũ Môn 玄武门, Lí Thế Dân 李世民 tìm Nguỵ Trưng hỏi rằng:

          - Tại sao ông li gián mối quan hệ giữa anh em chúng tôi?

          Nguỵ Trưng từ tốn đáp rằng:

          - Nếu như hoàng thái tử sớm nghe lời của tôi, thì sẽ không gặp phải hoạ sát thân của ngày nay!

          Đại thần tử hữu đều lo sợ mướt mồ hôi, không ngờ Lí Thế Dân rốt cuộc chuyển giận sang vui, trọng sự chính trực của Nguỵ Trưng, nhậm mệnh ông làm Gián nghị Đại phu 谏议大夫.

          Năm 626, Đường Thái Tông 唐太宗 phái người đi trưng binh. Có đại thần kiến nghị: Một số thiếu niên chưa đến 18 tuổi, nhưng thân thể cao lớn rắn chắc, cũng phải bắt họ làm lính đi đánh trận. Đường Thái Tông đồng ý. Nhưng chiếu thư bị Nguỵ Trưng giữ lại. Đường Thái Tông giục mấy lần, Nguỵ Trưng vẫn không phát đi. Đường Thái Tông bảo rằng:

          - Khanh to gan như thế! Dám giữ  chiếu thư lại không phát đi!

          Nguỵ Trưng thần sắc tự nhiên nói rằng:

          - Quân đội có mạnh hay không, không phải ở chỗ đông người, mà là ở chỗ cách dùng binh, Như so với cá với nước trong hồ, ngài làm cho cạn nước, có thể bắt được nhiều cá, nhưng đến năm sau trong hồ không còn cá để bắt; đốt sạch rừng để bắt dã thú, cũng bắt được dã thú đấy, nhưng đến năm sau không còn dã thú để mà bắt. Nếu như bắt những thiếu niên mạnh khoẻ rắn chắc nhưng chưa đến 18 tuổi làm lính, thì sau này còn trưng binh từ đâu nữa? Tô thuế tạp dịch của quốc gia do ai gánh vác?

          Đường Thái Tông tuy cảm thấy có lí nhưng vẫn không phục. Nguỵ Trưng bất chấp tất cả nói rằng:

          - Bệ hạ, ngài đã nhiều lần nói mà không giữ lời, thất tín với dân!

          Đường Thái Tông cả giận, nói rằng:

          - Khanh nói bậy! Ta nói lúc nào mà không giữ lời?

          Nguỵ Trưng đáp:

          - Bệ hạ lúc ban đầu lên ngôi, từng xuống chiếu: Những ai thiếu nợ ở phủ quan đã lâu mà chưa trả được thì nhất luật miễn trừ, nhưng đến nay các quan lại vẫn đang thúc giục, lẽ nào chẳng phải là nói mà chẳng giữ lời sao? Ngài từng xuống chiếu lệnh, chỉ trưng đàn ông con trai từ 18 tuổi trở lên làm lính, nhưng lần này lại trưng những thiếu niên chưa đến 18 tuổi, đó là gì? Nếu cứ mãi luôn nói mà không giữ lời như thế, không giữ chữ tín, bách tính có còn ủng hộ ngài nữa không?

          Nguỵ Trưng nói cả buổi, khiến Đường Thái Tông á khẩu vô ngôn. Thế là  Đường Thái Tông ra một đạo chiếu thư mới, miễn trưng thiếu niên chưa đến 18 tuổi. Từ đó, Đường Thái Tông càng tín nhiệm và kính trọng Nguỵ Trưng.

          Có một lần, Đường Thái Tông từ Trường An 长安 đến Lạc Dương 洛阳, giữa đường nghỉ lại tại cung Chiêu Nhân 昭仁 (nay là Thọ An 寿安 Hà Nam 河南), Đường Thái Tông cho rằng việc dùng bữa của mình không chu toàn. Nguỵ Trưng phê bình Đường Thái Tông rằng:

          - Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝 chính vì thường quở trách bách tính không dâng thức ăn, hoặc giả chê thức ăn tiến dâng không tinh mĩ, đã gặp phải sự phản đối của bách tính, cuối cùng bị diệt vong. Bệ hạ phải từ đó rút ra bài học, phải cẩn thận. Nếu biết đủ, thức ăn dâng lên hôm nay phải biết thoả mãn; nếu tham không biết chán, cho dù món ngon có nhiều gấp vạn lần, cũng không thể thoả mãn được.

          Đường Thái Tông nghe qua chợt tỉnh ngộ, nói rằng:

          - Nếu không có khanh, ta sẽ nghe không được những lời thẳng thắn như thế.

                                                                               (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Phạm nhan trực gián 犯颜直谏:

          Phạm nhan犯颜: Mạo phạm đến dung mạo, uy nghiêm của vị quân chủ hoặc bậc tôn trưởng.

          Trực gián直谏: Dùng lời nói thẳng để can gián.

          Phạm nhan trực gián: Dám mạo phạm đến sự uy nghiêm của vị quân chủ, ra sức can ngăn để đối tượng sửa chữa sai lầm.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 24/3/2021

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN

中华上下五千年

Chủ biên: Lí Tinh 李晶

Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post