Dịch thuật: Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng (2329) ("Truyện Kiều")

 

SÂM THƯƠNG CHẲNG VẸN CHỮ TÒNG (2329)

          Sâm Thương 参商: Tức sao Sâm và sao Thương . Sao Sâm tại tây, sao Thương tại đông, hễ sao này mọc thì sao kia lặn, cho nên không bao giờ gặp nhau.

          Trong Tả truyện – Chiêu Công nguyên niên 左传 - 昭公元年 có đoạn:

          Tích Cao Tân thị hữu nhị tử, bá viết Át Bá, quý viết Thực Thẩm, cư ư khoáng lâm, bất tương năng dã. Nhật tầm can qua, dĩ tương chinh thảo. Hậu Đế bất tang, thiên Át Bá ư Thương Khâu, chủ thần, Thương nhân thị nhân, cố thần vi Thương tinh. Thiên Thực Thẩm ư Đại Hạ, chủ Sâm, Đường nhân thị nhân, dĩ phục sự Hạ Thương.

          昔高辛氏有二子, 伯曰阏伯, 季曰实沈, 居於旷林, 不相能也. 日寻干戈, 以相征讨. 后帝不臧, 迁阏伯於商丘, 主辰, 商人是因, 故辰为商星. 迁实沈於大夏, 主参, 唐人是因, 以服事夏商

          (Ngày trước họ Cao Tân có hai người con, người anh tên là Át Bá, người em tên là Thực Thẩm, cư trú trong một khu rừng lớn, cả hai không hợp nhau, mỗi ngày đều cầm vũ khí đánh nhau. Đế Nghiêu cho là không tốt, bèn dời Át Bá đến Thương Khâu, lấy đại hoả tinh để định thời tiết, người triều Thương theo đó, cho nên đại hoả tinh trở thành sao Thương. Dời Thực Thẩm đến Đại Hạ, lấy sao Sâm để định thời tiết, người nước Đường theo đó, theo phụng sự triều Hạ, triều Thương.)

http://www.gushice.com/article_6140.html

          Trong bài Tặng Vệ Bát xử sĩ 赠卫八处士 của Đỗ Phủ 杜甫 có câu:

Nhân sinh bất tương kiến

Động như Sâm dữ Thương

人生不相见

动如参与商

(Người thân trên thế gian này khó mà gặp được nhau

Giống như sao Sâm sao Thương, hễ sao này mọc thì sao kia lặn)

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng

Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân

(“Truyện Kiều” 2329 - 2330)

Sâm Thương: Sâm là sao Cày, mấy sao ở giữa chòm sao Orion, Thương là mấy sao sắc đỏ ở đuôi chòm sao Scorpien mà ta gọi là sao Thần Nông, trong vòm trời hai vì sao ấy cách nhau gần 180 độ, cho nên hễ sao này mọc thì sao kia lặn, không thể nào cùng thấy trong một bầu trời (người ta vẫn hiểu lầm là sao Hôm và sao Mai), cho nên dùng để tỷ dụ sự cách biệt không gặp nhau được.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Sâm thị tảo khải minh, thương thị tịch tràng canh. Đường thi: Nhân sinh bất tương kiến, động như sâm dữ thương.

          參是早啟明商是夕長庚唐詩人生不相見動如參與商

          (Sâm là sao Khải minh sớm mọc, Thương là sao Tràng canh tối mọc. Thơ Đường: Người ta xa cách không gặp mặt nhau, ví cũng như sao Sâm (sao mai) sao Thương (sao hôm) vậy.)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2329 là:

Sâm Thương chẳng vẹn chữ ĐỒNG

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 17/02/2021

Previous Post Next Post