Dịch thuật: Lai lịch "Xuân tiết"

 

LAI LỊCH “XUÂN TIẾT” 

          Tập quán dân gian hiện đại gọi “Xuân tiết” 春节 là “Quá niên” 过年 (ăn tết). Kì thực, khởi nguồn của “niên” và “Xuân tiết” 春节rất khác nhau.

          Thế thì “niên” rốt cuộc đến như thế nào? Trong dân gian chủ yếu có hai thuyết:

          - Một thuyết cho là, thời cổ có một loài quái thú hung hãn gọi là “niên” , mỗi khi đến ngày 13 tháng Chạp, nó liền xông vào làng tìm kiếm con người để ăn thịt, tàn hại sinh linh. Một buổi tối ngày 13 tháng Chạp năm nọ, con “niên” vào làng, vừa lúc gặp hai mục đồng đang thi pháo. Con “niên” bỗng nghe trên không có tiếng nổ, nó sợ liền cắm đầu chạy. Nó chạy sang một làng khác, lại gặp phải một nhà nọ đang phơi áo đỏ, nó không biết là vật gì, lại sợ nên quay đầu bỏ chạy. Sau nó lại đến một làng khác nữa, nhìn vào một nhà nọ, thấy bên trong đèn đuốc sáng trưng, chiếu vào nó, nó cảm thấy váng đầu hoa mắt, đành cụp đuôi chuồn mất. Từ đó mọi người đoán rằng, con “niên” sợ tiếng động, sợ màu đỏ, sợ ánh sáng, liền tìm nhiều cách để chế ngự nó, thế là dần dần hoá thành phong tục ăn tết như hiện nay. 

          - Một thuyết khác cho rằng, chữ viết thời cổ đem chữ (niên) đưa vào bộ (hoà) để thể hiện phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Do bởi lúa (cốc hoà 谷禾) nhìn chung mỗi năm chín một lần, cho nên “niên” được dẫn dụng  làm tên của năm.

          Trong dân gian thời cổ Trung Quốc tuy sớm đã có phong tục ăn tết, nhưng lúc bấy giờ hoàn toàn không gọi là “Xuân tiết” 春节, bởi lúc bấy giờ, gọi  “xuân tiết” là chỉ “Lập xuân” 立春, một tiết khí trong 24 tiết khí. Thời Nam Bắc Triều, “xuân tiết” phiếm chỉ cả mùa xuân. Nghe nói rằng, đem năm mới âm lịch chính thức định danh là “Xuân tiết” là sự việc sau cách mạng Tân Hợi 辛亥. Do lúc bấy giờ cần đổi sang dùng dương lịch, để phân biệt hai tết âm và dương, nên đã đem mùng 1 tháng Giêng âm lịch đổi tên là “Xuân tiết”.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                                             Quy Nhơn 13/02/2021

                                                                               Mùng 2 tết Tân Sửu

Nguồn

http://www.ha.xinhuanet.com/xhzt/yuandan/htm/xncs018.htm

Previous Post Next Post