CƯỜI RẰNG:
CÁ NƯỚC DUYÊN ƯA (2275)
Cá nước duyên ưa:
Trong Quản Tử - Tiểu vấn 管子 - 小问 có
chép:
Hoàn
Công 桓公 phái
Quản Trọng 管仲 đi triệu
Ninh Thích 宁戚 đến
để hỏi ý kiến, Ninh Thích đáp: “Hạo hạo hồ” 浩浩乎.
Quản Trọng không biết ý là gì, đến bữa cơm trưa vẫn còn suy nghĩ. Tì nữ hỏi rằng:
“Ngài có tâm sự gì chăng?” Quản Trọng bảo rằng: “Không phải là chuyện mà ngươi
có thể hiểu.” Tì nữ nói rằng: “Ngài chớ khinh thường người trẻ, cũng chớ khinh
thường những người thấp hèn. Ngày trước nước Ngô 吴 và nước Can 干 đánh nhau, nước Can quy định rằng, thiếu niên mà chưa
thay hết răng sữa thì không được vào trong quân tác chiến. Trẻ em trong nước đều
nhổ răng gia nhập đội quân, lập nhiều chiến công cho nước Can. Bách Lí Hề 百里兮vốn là người chăn trâu cho nước Tần, Tần Mục Công 秦穆公 đề bạt
làm Tể tướng, Tần bèn xưng bá chư hầu. Từ đó có thể thấy, há có thể khinh thường
kẻ hèn sao, há có thể khinh thường người trẻ sao.” Quản Trọng nói rằng: “Được,
Hoàn Công phái ta đi triệu Ninh Thích đến để hỏi ý kiến, Ninh Thích nói rằng:
“Hạo hạo hồ.” Ta không biết ý là gì. Tì nữ đáp rằng: “Thơ có câu:
Hạo hạo giả thuỷ. Dục dục giả ngư. Vị hữu thất
gia. Nhi an triệu ngã cư.
浩浩者水. 育育者鱼. 未有室家. 而安召我居
(Nước
mênh mông. Cá tung tăng. Chưa có gia thất. Ta an cư nơi nào để mà đi)
Ninh
Thích ý nói vì chưa lập gia thất nên không muốn được triệu đến”.
http://www.shuzhai.org/gushi/guanzi/7251_4.html
Và
trong vở Ngộ nhập đào nguyên 误入桃源 màn thứ 4 của Vương Tử Nhất 王子一
đời Nguyên có ghi:
Kim nhật dã ngư thuỷ hoà hài, yến oanh thành
đối, cầm sắt tương điệu.
今日也鱼水和谐, 燕莺成对, 琴瑟相调
(Nay cá
nước hài hoà, yến oanh thành cặp, cầm sắt cùng điệu)
(“Thành
ngữ đại từ điển”. Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán Quốc Tế hữu hạn công ti,
2004)
Người
ta thường dùng “ngư thuỷ” 鱼水 (cá nước) để ví phu
thê hài hoà tương đắc, tình cảm dung hợp.
Cười rằng: Cá nước duyên ưa
Nhớ lời nói những bao giờ hay không?
(“Truyện Kiều” 2275 – 2276)
Cá nước
duyên ưa: Lưu Bị nói mình gặp Gia Cát
Lượng như con cá gặp nước, tức là thoả mãn chí bình sinh, điều mình ao ước. Đây
nói Từ Hải và Thuý Kiều gặp nhau như cá gặp nước, thoả điều mơ ước bình sinh.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Quản Trọng đối Hoàn Công viết: Quyên quyên
giả thuỷ, dục dục giả ngư, ngôn phu phụ chi tương đắc dã.
管仲對桓公曰: 涓涓者水育育者魚言夫婦之相得也
(Quản
Trọng thưa ông Hoàn Công rằng: Lai láng ấy nước, thung thăng ấy cá, là nói vợ
chồng tương đắc vậy)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Điển “ngư thuỷ” xuất xứ từ Quản Tử - Tiểu vấn管子 - 小问hoặc từ Ngộ nhập đào nguyên 误入桃源 của Vương Tử
Nhất 王子一 ví phu thê hoặc nam nữ có tình cảm tương đắc, dung hợp.
Ngoài ra trong Tam quốc chí – Thục chí – Chư Cát Lượng truyện 三国志- 蜀志 - 诸葛亮传 cũng có ghi:
Thế là tình cảm giữa Tiên chủ Lưu Bị 刘备 và Chư Cát Lượng 诸葛亮 ngày càng mật
thiết. Quan Vũ 关羽, Trương Phi 张飞 không hài lòng, Tiên chủ giải thích rằng:
“Cô chi hữu Khổng Minh, do ngư chi hữu thuỷ
dã, nguyện chư quân vật phục ngôn.”
孤之有孔明, 犹鱼之有水也, 愿诸君勿复言
(Ta mà có được Khổng Minh thì cũng giống
như cá mà được nước vậy, xin hai em chớ có nói nữa).
Từ câu
nói trên, có thành ngữ “Như ngư đắc thuỷ” 如鱼得水, dùng để ví quân thần tương đắc.
http://cidian.118cha.com/208968.html
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/02/2021