Dịch thuật: Râu hùm, hàm én, mày ngài (2167) ("Truyện Kiều")

 

RÂU HÙM, HÀM ÉN, MÀY NGÀI (2167)

Râu hùm hàm én: Thành ngữ “Hổ đầu yến hạm” 虎头燕颔, cũng nói là “Hổ cảnh yến hạm” 虎颈燕颔hình dung quý tướng của vương hầu hoặc sự uy vũ về tướng mạo của võ tướng. Trong Hậu Hán thư – Ban Siêu truyện 后汉书 - 班超传 có chép:

          Ban Siêu 班超 tự Trọng Thăng 仲升, người huyện Bình Lăng 平陵 quận Phù Phong 扶风, là con của Huyện lệnh huyện Từ Ban Bưu 班彪. Ban Siêu có chí lớn, không câu nệ tiểu tiết, nhưng rất hiếu thuận với cha mẹ. Năm Vĩnh Bình 永平 thứ 5 đời Hán Minh Đế 汉明帝, anh của Ban Siêu là Ban Cố 班固 được triệu làm Hiệu thư lang 校书郎. Ban Siêu cùng mẹ theo anh đến Lạc Dương 洛阳, vì nhà nghèo, thường được phủ quan thuê sao chép văn thư để mưu sinh, trường kì lao khổ. Ông từng quăng bút than rằng: “Đại trượng phu không có chí hướng nào khác, nên học theo Phó Giới Tử 傅介子, Trương Khiên 张骞lập công nơi dị vực để được phong Hầu, sao cứ mãi theo việc bút nghiên?”  Những đồng sự bên cạnh nghe câu nói đó đều cười ông. Ban Siêu nói rằng: “Loại phàm phu tục tử làm sao có thể hiểu được chí của tráng sĩ.” Sau, Ban Siêu đến nhà của thầy tướng số, thấy tướng số nói rằng: “Tiên sinh, ông tuy chỉ là một người đọc sách bình thường, nhưng ngày sau nhất định sẽ được phong Hầu nơi xa vạn dặm.” Ban Siêu hỏi về tướng mạo của mình, thầy tướng số bảo rằng: “Ông có hàm của chim én, cổ của hổ, như chim én thì bay xa, như hổ thì có thể ăn thịt, đó là tướng mạo của bậc Hầu nơi vạn dặm.” (Sinh yến hạm hổ cảnh, phi nhi thực nhục, thử vạn lí Hầu tướng dã 生燕颔虎颈, 飞而食肉, 此万里侯相也). Một thời gian sau, có một lần Minh Đế hỏi Ban Cố: “Em trai của khanh hiện đang ở đâu?” Ban Cố đáp rằng: “Đang giúp phủ quan sao chép văn thư để lấy tiền nuôi mẹ già”. Thế là Minh Đế triệu Ban Siêu làm Lan Đài lệnh sử 兰台令史. Về sau nhân vì phạm lỗi nên bị miễn quan.

................................

            Vế sau Ban Siêu lập nhiều chiến công dánh dẹp Hung Nô, khai thông “con đường tơ lụa”, uy danh khắp Tây vực, được phong làm Định Viễn Hầu 定远侯,  người đời gọi ông là “Ban Định Viễn” 班定远. Ông cai trị Tây Vực hơn 31 năm, thái ấp cả ngàn hộ. Năm Vĩnh Nguyên thứ 12 (năm 100), nhân vì tuổi cao, Ban Siêu xin về triều, năm Vĩnh Nguyên 永元thứ 14 (năm 102), Ban Siêu về đến Lạc Dương, được nhậm mệnh làm Xạ thanh hiệu uý 射声校尉. Năm đó, ông bệnh nặng và qua đời,  hưởng thọ 71 tuổi.

https://baike.baidu.com/item/%E5%90%8E%E6%B1%89%E4%B9%A6%C2%B7%E7%8F%AD%E8%B6%85%E4%BC%A0

https://baike.baidu.com/item/%E7%8F%AD%E8%B6%85/281504

Mày ngài: Đuôi chân mày hướng lên trên, sắc chân mày đen và mướt giống như con tằm. “Ngoạ tàm mi” 卧蚕眉 dùng để ví sư uy vũ nam tính, cũng tượng trưng cho sự trường thọ. Quan Công 关公 trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义, Tống Giang 宋江 trong Thuỷ hử truyện 水浒传 đều là “ngoạ tàm mi”.

https://baike.baidu.com/item/%E5%8D%A7%E8%9A%95%E7%9C%89

Râu hùm, hàm én, mày ngài

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

(“Truyện Kiều” 2167 – 2168)

Rỡ mình, lạ vẻ cân đai

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa

(“Truyện Kiều” 2273 – 2274)

Râu hùm hàm én: Do chữ “Yến hàm hổ cảnh” là “Hàm én cổ cọp”, tướng của Ban Siêu đời Hán, người ta cho là tướng của người anh hùng. Nguyễn Du đổi cổ hùm thành râu hùm. Râu hùm hàm én – Nói chung , một từ chỉ bộ phận cơ thể như hàm ... đứng trước một từ chỉ động vật đơn tiết như ngài, én thì nghĩa kết hợp là nghĩa sở hữu không phải là nghĩa giống như, bởi vì một từ đơn tiết thì nghĩa của nó cụ thể. Do đó là hàm én là hàm của con én, cũng như mày ngài là mày của con ngài. Muốn có nghĩa là giống như, danh từ đứng sau phải dùng song tiết: mắt ốc nhồi.

Mày ngài: Lông mày của con ngài, chứ không phải lông mày giống con ngài, tức là lông mày nhỏ và dài.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Theo ý riêng, “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, Nguyễn Du đã liên tưởng đến thành ngữ “Hổ cảnh yến hạm” trong Hậu Hán thư khi nói về Ban Siêu.

Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2167 là:

Râu HÀM, CÀM YẾN, mày ngài

Và câu 2273 là:

RÕ mình LÀ vẻ cân đai

Hãy còn CÀM YẾN, mày ngài như xưa

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2167 là:

Râu hùm CẰM én mày ngài

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 30/01/2021

Previous Post Next Post