Dịch thuật: Đoái trông muôn dặm tử phần (2235) ("Truyện Kiều")

 

ĐOÁI TRÔNG MUÔN DẶM TỬ PHẦN  (2235)

Tử phần: Chỉ quê hương.

          Tử : cây tử tức cây thị. Trong Kinh – Tiểu nhã – Tiểu biền - 小雅 - 小弁có câu:

Duy tang dữ tử

Tất cung kính chỉ

維桑與梓

必恭敬止

(Nhìn thấy cây dâu và cây thị của cha mẹ trồng

Tất phải cung kính khi đứng trước cây)

          Theo chú giải của Chu Hi, ngày xưa ở khu đất năm mẫu để làm nhà, cây dâu cây thị được trồng ở dưới tường dành truyền cho con cháu để có lá dâu mà nuôi tằm, có gỗ thị mà làm vật dùng.

          (Kinh Thi – quyển 2: bản dịch của Tạ Quang Phát.)

Phần : cây phần, Phần Du 枌榆 là quê hương của Hán Cao Tổ Lưu Bang, “phần du” cũng phiếm chỉ quê hương.

Ở bài Tác Tân Phong di cựu xã 作新豐移舊社 trong Tây Kinh tạp kí 西京雜記  quyển 2 của Cát Hồng 葛洪 đời Tấn, mục chú thích Phần du 枌榆 có ghi:

          Lưu Bang vi Phong ấp Phần Du hương nhân. Sơ khởi binh thời, tằng kì đảo ư Phần Du chi Xã.

劉邦為豐邑枌榆鄉人, 初起兵時, 曾祈禱於枌榆之社

(Lưu Bang là người ở làng Phần Du, ấp phong. Lúc mới khởi binh, từng cầu đảo nơi đền thờ Xã ở Phần Du.)

(“Tây Kinh tạp kí” 西京雜記Cát Hồng 葛洪biên soạn; Thành Lâm 成林, Trình Chương Xán 程章燦 dịch chú. Đài Bắc – Địa Cầu xuất bản xã, năm Dân Quốc thứ 83)

Đoái trông muôn dặm tử phần

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

(“Truyện Kiều” 2235 – 2236)

Tử: Cây tử, cây thị; theo Kinh Thi là cây do cha mẹ trồng nên dùng để chỉ chỗ quê hương. Tử phần: Tử là do chữ tử của Kinh Thi như trên; phần là do chữ phần du. Hai từ được dùng ghép với nhau để chỉ quê hương. Cây tử và cây phần, tỷ dụ nơi quê nhà.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Thi: Duy tang dữ tử thị cố hương thụ mộc.

          : 維桑與梓是故鄉樹木

          (Kinh Thi: Duy có cây dâu cùng cây tử là cây ở làng cũ)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2235 là:

Đoái THƯƠNG nuôn dặm tử phần

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 03/01/2021

 

Previous Post Next Post