TẤN DƯƠNG ĐƯỢC THẤY MÂY RỒNG CÓ PHEN
(2196)
Tấn Dương: Nơi khởi nghĩa của Lí Uyên 李渊, tức “Tấn Dương khởi nghĩa” 晋阳起义, cũng gọi là “Thái Nguyên khởi nghĩa” 太原起义. Đây là sự kiện lịch sử khởi binh phản
Tuỳ của Lưu thủ Thái Nguyên Lí Uyên vào cuối đời Tuỳ.
Cuối đời Tuỳ, khởi
nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi trong toàn quốc. Năm 615 (năm Đại Nghiệp thứ 11),
Tuỳ Dượng Đế Dương Quảng 隋炀帝杨广 lấy
Lí Uyên làm Sơn Tây Hà Đông uý phủ đại sứ 山西河东慰抚大使, chẳng bao lâu bái làm Thái Nguyên Lưu
thủ 太原留守để dánh
Đột Quyết 突厥
phía bắc, đồng thời trấn áp
khởi nghĩa nông dân trong khu vực tỉnh Sơn Tây ngày nay. Đương thời, chính quyền
triều Tuỳ đã ở vào thế suy yếu, giai cấp thống trị một lần nữa phát sinh sự
phân liệt to lớn, vũ trang địa chủ và quân khởi nghĩa nổi lên các nơi. Lí Uyên
vốn có chí lớn, sau khi đến Thái Nguyên, nhìn thấy triều Tuỳ sắp bại vong nên
đã nảy sinh ý nghĩ thay thế nhà Tuỳ. Tả hữu của ông như Bùi Tịch 裴寂, Lưu Văn Tĩnh 刘文静 cùng người con thứ là Lí Thế Dân 李世民cũng lần lượt kiến nghị khởi binh. Đến
năm 616 (năm Đại Nghiệp 大业 thứ 12), khởi nghĩa nông dân trong toàn quốc đã chiếm ưu thế,
Triều Tuỳ không cách nào tập trung binh lực để chống lại các tập đoàn vũ trang
một cách có hiệu quả. Lí Uyên thấy thời cơ đã chín mùi, bèn chính thức tại Tấn
Dương 晋阳tuyên bố
khởi sự vào năm 617 (năm Đại Nghiệp thứ 13).
Dưới sự giúp đỡ của Lí Thế Dân, Bùi Tịch, Lưu Văn Tĩnh, Lí Uyên tru sát Vương Uy 王威, Cao Quân Nhã 高君雅giám thị của Tuỳ Dượng Đế. Phái Lưu Văn Tĩnh xuất sứ Đột Quyết, được sự ủng hộ của Thuỷ Tất Khắc Hàn 始毕可汗; phái Lí Kiến Thành 李建成, Lí Thế Dân 李世民 đoạt lấy Tây Hà quận 西河郡. Tháng 6, chính thức khởi binh, để con trưởng Lí Kiến Thành, con thứ Lí Thế Dân làm Tả Hữu Đại đô đốc 左右大都督, để con thứ tư Lí Nguyên Cát 李元吉lưu thủ Thái Nguyên, phát binh Trường An 长安. Tại Hoắc Ấp 霍邑đại phá Tống Lão Sinh 宋老生, từ Long Môn 龙门vượt Hoàng hà, mở kho lương thực Vĩnh Phong 永丰phát chẩn cứu tế bách tính. Công chúa Bình Dương Chiêu 平阳昭tại quan Trung khởi binh hưởng ứng, đánh chiếm Trường An, để Đại Vương Dương Hựu 代王杨侑làm hoàng đế, tôn Tuỳ Dượng Đế làm Thái thượng hoàng, Lí Uyên tự làm Đại thừa tướng 大丞相, làm Đường Vương 唐王. Tháng 3 năm sau, Tuỳ Dượng Đế bị Vũ Văn Hoá Cập 宇文化及 giết chết tại Giang Đô 江都. Tháng 5, Lí Uyên phế truất Dương Hựu, xưng đế, cải quốc hiệu là Đường 唐. Triều Tuỳ diệt vong, triều Đường kiến lập.
https://baike.baidu.com/item/%E6%99%8B%E9%98%B3%E8%B5%B7%E5%85%B5
Mây rồng: Trong Dịch kinh – Khôn quái 易经
- 坤卦có câu:
Vân tùng long, phong tùng
hổ
云从龙,风从虎
(Mây theo rồng, gió theo hổ)
Thành ngữ “Vân khởi
long tương” 云起龙骧, ý nói mây nổi lên, rồng cưỡi theo mây,
dùng để ví anh hùng hào kiệt nhân thời cơ mà khởi sự. Thành ngữ này xuất xứ từ Hán thư – Tự truyện hạ 汉书 - 叙传下:
Vân khởi long tương, hoá
vi Hầu Vương
云起龙骧, 化为侯王
(Mây nổi lên, rồng cưỡi theo mây, hoá làm Hầu làm Vương)
https://baike.baidu.com/item/%E4%BA%91%E8%B5%B7%E9%BE%99%E9%AA%A7/22497529
Và trong bài Minh Hoàng tự Viên Khâu nhạc chương – Thọ
hoà thi 明皇祀圜丘乐章
- 寿和诗 có câu:
Long phi Tấn Dương
龙飞晋阳
(Rồng bay lên ở Tấn Dương)
https://www.hongloumengs.cn/shigeshici/83/264399-1179045248.html
Thưa rằng: “Lượng cả bao dung
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”
(“Truyện Kiều” 2195 – 2196)
Tấn Dương: Tên đất, tức là huyện trị huyện Thái
Nguyên Sơn Tây của Trung Quốc. Đường Cao Tổ khởi nghiệp ở đấy. Câu 2196 này ý
nói Từ Hải sẽ có phen lập được nghiệp đế vương.
Mây rồng: Tức là hội rồng mây, rồng gặp mây, chữ
Hán là “Long vân khánh hội” chẳng hạn người đi thi đỗ hay vua sáng gặp tôi hiền
hay là thực hiện được sự nghiệp đế vương. “Tấn Dương được thấy mây rồng có
phen” Trong câu này nói Thuý Kiều hy vọng Từ Hải sẽ có ngày làm đế vương, như
Đường Cao Tổ ngày xưa dấy binh từ đất Tấn Dương mà nên nghiệp đế. Trong nguyên
truyện chỉ chỉ nói Từ Hải có độ lượng như Đường Cao Tổ thôi.
(Đào
Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân
Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
Đường
Tôn phục Già thuyết Đường chủ viết: Bệ hạ long phi Tấn dương, viễn cận hưởng ứng.
唐孫伏伽說唐主曰: 陛下龍飛晉陽遠近響應
(Ông Tôn phục Già nhà Đường tâu vua Đường
rằng: Nhà vua như rồng bay đất Tấn Dương, xa gần đều hưởng ứng)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét: Theo ý riêng câu 2196 này, Thuý Kiều ý muốn nói, mai sau này Từ Hải sẽ lập nên nghiệp lớn, lên ngôi đế vương, cũng giống như Đường Cao Tổ Lí Uyên khởi binh tại Tấn Dương thành công và lên ngôi hoàng đế.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/12/2020