NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LỄ NGHI
Nguồn gốc của lễ nghi có thể truy ngược
đến xã hội nguyên thuỷ. Nhưng xã hội nguyên thuỷ rốt cuộc là như thế nào? cách
hiện nay rất xa, lại thêm lúc bấy giờ chưa có văn tự, không thể lưu lại những
điển tịch. Người đời sau thảo luận khó mà tránh được nhưng lối rẽ. Bác học như
Khổng Tử 孔子 mà
còn rất thận trọng nói:
Hạ
lễ, ngô năng ngôn chi, Kỉ bất túc trưng dã; Ân lễ, ngô năng ngôn chi, Tống bất
túc trưng dã, văn hiến bất túc cố dã. Túc, tắc ngô năng trưng chi hĩ.
夏礼, 吾能言之, 杞不足徵也; 殷礼, 吾能言之, 宋不足徵也, 文献不足故也. 足, 则吾能徵之矣.
(Lễ nhà Hạ, ta có thể nói được, nhưng
nước Kỉ (hậu duệ của nhà Hạ) không đủ chứng minh lời của ta; Lễ nhà Ân, ta có
thể nói được, nhưng nước Tống (hậu duệ của nhà Ân) không đủ chứng minh lời của
ta, ấy đều là do bởi tư liệu không đủ. Nếu có đủ, thì ta có thể chứng minh được)
Ý là: lễ nghi của hai đời Hạ và
Thương, Khổng Tử có thể nói ra một số. Nước Kỉ là hậu duệ của nhà Hạ; nước Tống
là hậu duệ của nhà Ân, dùng lễ nghi của nước Kỉ nước Tống làm y cứ để thảo luận
lễ nghi nhà Hạ nhà Thương, điều đó không thể tin. Vấn đề ở chỗ tư liệu văn hiến
không đủ. Nếu như tư liệu văn hiến có đủ thì Khổng Tử có thể nói về lễ nghi của
nhà Hạ nhà Thương.
Thái độ trị học của Khổng Tử đến nay vẫn
còn giá trị cho việc học tập của chúng ta. Điều Khổng Tử nói, chẳng qua là Hạ lễ,
Thương lễ so với xã hội nguyên thuỷ đã muộn hơn rất nhiều, như vậy có thể thấy,
chúng ta muốn truy ngược lên tình cảnh của xã hội nguyên thuỷ thì quả thực là một
việc khó khăn.
Dân tộc Trung Hoa là một trong những
vùng phát tích của văn minh nhân loại, truyền thống giáo dục văn hoá có nguồn
sâu dòng dài. Lễ nghi được xem là cơ sở của văn hoá dân tộc Trung Hoa, cũng có
lịch sử lâu dài. Chúng ta tuy không có cách nào tái hiện lại tình cảnh của xã hội
nguyên thuỷ, nhưng những khai quật khảo cổ đã cung cấp cho chúng ta công cụ lao
động, vũ khí, vật trang sức, những vật đựng cùng với nơi cư trú và phần mộ của
họ, không nghi ngờ gì đều là những sử liệu chứng thực đáng tin cậy; Những nhà
văn hoá nhân loại học thì lợi dụng một số sử liệu sống động về cuộc sống của
các dân tộc ở vào giai đoạn phát triển của xã hội nguyên thuỷ hiện còn trên thế
giới để ấn chứng tình cảnh năm đó của tổ tiên chúng ta, từng được gọi là “hoạt
đích hoá thạch” 活的化石 (hoá
thạch sống), những việc đó nhiều lúc có thể khiến chúng ta hiểu ra; Ngoài ra,
thành quả của Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Lịch sử học cũng như vậy, không thể
xem nhẹ. Đem thành quả của nhiều ngành khoa học kết hợp lại, lại đem nhận thức
của ta tiến về phía trước, khiến sự tifm hiểu của chúng ta trở nên có khả năng.
Lễ nghi rốt cuộc lúc nào và vì cớ gì
mà có. Từ xưa đến nay, mọi người đã tìm hiểu nhiều, quy nạp lại, đại thể có 5
khởi nguyên của lễ nghi:
- Thiên thần sinh lễ nghi
- Lễ là sự thống nhất của thiên địa
nhân.
- Lễ sản sinh bởi bản tính tự nhiên của
con người.
- Lễ là sản vật của sự mâu thuẫn giữa
nhân tính và hoàn cảnh
- Lễ sinh từ lí, nổi lên từ tục.
Hình thức của lễ nghi, nhìn chung
chúng ta chia ra làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất có thể gọi là lễ nghi nguyên thuỷ,
nó hoàn toàn là một số hành vi mang tính tập quán của sơ dân sử tiền xử lí các
mối quan hệ trong cuộc sống, thông thường cũng gọi là phong tục tập quán, chẳng
qua nó không phải là toàn bộ phong tục tập quán, mà chỉ là một bộ phận có nghi
thức cố định trong phong tục tập quán.
Giai đoạn thứ hai chính là lễ của thời
đại văn minh. Theo sự hình thành chế độ đẳng cấp, nó so với lễ nghi xã hội
nguyên thuỷ đã có ý thức đẳng cấp sâu đậm, nó là chế độ của quốc gia sau khi quốc
gia ra đời nhờ vào văn hoá nguyên thuỷ, cải tạo văn hoá nguyên thuỷ mà hình
thành. Cả hai có sự khác nhau về bản chất. Lễ của thời đại văn minh khởi nguồn
từ lễ nghi nguyên thuỷ là vấn đề không cần phải thảo luận, cho nên mấu chốt là ở
chỗ lễ nghi nguyên thuỷ đã phát sinh như thế nào.
Khởi nguyên của lễ nghi có thể truy ngược lên quá khứ rất lâu. Cần phải nói, lịch sử của dân tộc Trung Hoa, khi lật trang đầu tiên, lễ nghi đã theo cùng hoạt động của con người, đã theo với tôn giáo nguyên thuỷ mà sinh ra. Chế độ lễ nghi chính là vì để xử lí ba mối quan hệ lớn là người với thần, người với quỷ người với người mà chế định ra. ... (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/12/2020
Nguồn
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ TINH TUÝ
中国民俗文化精粹
Chủ biên: Vương Lệ Na
Bắc Kinh: Tuyến trang thư cục, 2016.