MẠNH TỬ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN HỌC THUYẾT
NHO GIA
(kì 4 – hết)
Có một
lần, Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử:
- Đối với một bề tôi, ta làm sao có thể nhận
biết người đó là hiền hay là không hiền?
Mạnh Tử
đáp rằng:
- Cận thần tả hữu của đại vương đều nói bề tôi
đó hiền, không thể tin được; đại phu cả triều nói bề tôi đó hiền, vẫn chưa thể
tin được; chỉ có người trong cả nước đều nói người đó hiền, kinh qua khảo sát
quả nhiên là như thế, thì mới có thể tin được. Ngược lại cũng như vậy, cận thần
tả hữu của đại vương nói bề tôi đó không hiền, không thể tin được, đại phu cả
triều nói bề tôi đó không hiền, vẫn chưa thể tin được, chỉ có người trong cả nước
đều nói người đó không hiền, kinh qua khảo sát quả nhiên quả nhiên như thế, thì
mới có thể tin được.
Tề
Tuyên Vương nghe qua gật đầu khen phải.
Tiếp
đó, Mạnh Tử tiến thêm một bước nói:
- Nếu có một người phạm tội, thân cận tả hữu của
đại vương đều nói nên giết người đó, không thể tin theo; đại thần cả triều đều
nói nên giết người đó, vẫn chưa thể tin theo; chỉ có người trong cả nước nói
nên giết người đó, kinh qua khảo sát quả nhiên như thế thì nên giết người đó. Nếu
đại vương làm được như thế, thì có thể làm phụ mẫu của bách tính.
Từ những
lời của Mạnh Tử có thể thấy, Mạnh Tử không chỉ coi trọng dân quyền, mà còn chủ
trương hạn chế quân quyền. Trong xã hội phong kiến hơn 2000 năm trước, đã có kiến
giải như thế quả thực là rất tiến bộ.
Đối với
việc thực hiện lí tưởng chính trị - tín niệm nhân và nghĩa, Mạnh Tử rất kiên định,
thậm chí bằng lòng vì đó mà hi sinh tính mạng của mình.
Có một
lần, Mạnh Tử và Vương tử Điếm 垫nước Tề đối thoại.
Vương tử
Điếm hỏi rằng:
- Con người phải có chí thú như thế nào?
Mạnh Tử
đáp:
- Con người nên khiến chí hướng và hành vi của
mình cao thượng.
Vương tử
Điếm lại hỏi:
- Như thế nào mới cho chí hướng và hành vi là
cao thượng?
Mạnh Tử
đáp:
- Một người có nhân có nghĩa, chí hướng và hành
vi sẽ cao thượng.
Vương tử
Điếm nói:
- Xin nói cụ thể một chút cho rõ.
Mạnh Tử
nói rằng:
- Giết một người vô tội, đó chính là bất nhân;
cướp đoạt thứ không phải của mình, chính là bất nghĩa. Lại như nói, cá là món mà
ta thích ăn, bàn tay gấu trân quý cũng là món mà ta thích ăn, nhưng nếu cả hai
món đó đều không thể đồng thời có được cùng một lúc, thế thì ta sẽ bỏ cá mà lấy
bàn tay gấu. (1)
Vương tử
Điếm dường như lĩnh ngộ ý của Mạnh Tử, thế là Mạnh Tử lại nói một câu rất nổi
tiếng:
Sinh, diệc ngã sở dục dã; nghĩa, diệc ngã sở
dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã.
生, 亦我所欲也; 义, 亦我所欲也. 二者不可得兼, 舍生而取义者也.
Ý của
câu này là: sinh mệnh, là thứ mà ta cần; nghĩa, cũng là thứ mà ta cần, nhưng nếu
cả hai không thể đồng thời có được, thế thì ta chọn lấy nghĩa mà bỏ sinh mệnh.
Về sau, người ta dùng thành ngữ “xả sinh thủ nghĩa” 舍生取义để biểu thị giữ chính nghĩa mà hi sinh tính mệnh.
Tề
Tuyên Vương tuy rất kính trọng đức hạnh của Mạnh Tử, đồng thời có dạo nhậm mệnh
ông làm Khanh, nhưng không nghe theo những lời khuyến cáo thi hành nhân chính của
ông. Khoảng năm 312 trước công nguyên, Mạnh Tử rời khỏi nước Tề, từ đó không xuất
du nữa, cùng với những học trò như Vạn Chương 万章 chuyên tâm giảng
học và trứ thuật. Mạnh Tử sống đến hơn 80 tuổi, khoảng năm 300 trước công
nguyên, Mạnh Tử qua đời.
Trứ tác Mạnh Tử để lại là bộ Mạnh Tử 孟子 - một trong những kinh điển của Nho gia do ông và đệ tử Vạn Chương biên soạn. Đến đời Tống, học giả Chu Hi 朱熹 đem bộ Mạnh Tử 孟子 cùng Luận ngữ 论语, Trung dung 中庸 và Đại học 大学 hợp lại gọi là “Tứ thư” 四书. Từ đó về sau, những trứ tác kế thừa và phát triển học thuyết Nho học này, trường kì trở thành sách tiêu chuẩn sơ cấp mà khoa cử của chính phủ phong kiến chọn người ra làm quan. (hết)
Chú của người
dịch
1- Ở thiên Tận
tâm thượng 尽心上 trong Mạnh Tử 孟子 có
đoạn:
Vương tử Điếm vấn viết: “Sĩ hà sự?”
Mạnh Tử viết: “Thượng chí”
Viết: “Hà vị thượng chí?”
Viết: “Nhân nghĩa nhi dĩ hĩ. Sát nhất
vô tội, phi nhân dã. Phi kì hữu nhi thủ chi, phi nghĩa dã.
王子垫问曰: “士何事?”
孟子曰: “尚志”
曰: “何谓尚志?”
曰: “仁义而已矣.杀一无罪,非仁也; 非其有而取之, 非义也.
(Vương
Tử Điếm hỏi rằng: “Kẻ sĩ phải làm gì?”
Mạnh Tử
bảo rằng: “Kẻ sĩ phải khiến chí hướng của mình cao thượng.”
Vương tử
Điếm hỏi: “Khiến chí hướng cao thượng là như thế nào?”
Mạnh Tử đáp: “Thực hiện nhân nghĩa mà thôi. Giết một người vô tội chính là bất nhân; vật không phải của mình mà đoạt lấy chính là bất nghĩa.”)
Và ở
thiên Cáo Tử thượng 告子上 có đoạn:
Mạnh Tử viết: “Ngư, ngã sở dục dã, hùng chưởng,
diệc ngã sở dục dã; nhị giả bất khả đắc kiêm, xả ngư nhi thủ hùng chưởng giả
dã. Sinh, diệc ngã sở dục dã, nghĩa, diệc ngã sở dục dã; nhị giả bất khả đắc kiêm,
xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã.
孟子曰: “鱼, 我所欲也, 熊掌亦我所欲也; 二者不可得兼, 舍鱼而取熊掌者也. 生, 亦我所欲也; 义, 亦我所欲也; 二者不可得兼, 舍生而取义者也.
(Mạnh Tử
nói rằng: Cá là món mà ta thích, bàn tay gấu cũng là món mà ta thích; nếu cả
hai không thể đồng thời có được, thế thì ta sẽ bỏ cá mà lấy bàn tay gấu. Sinh mệnh
là thứ mà ta yêu quý, đại nghĩa cũng là thứ mà ta yêu quý; nếu cả hai không thể
đồng thời có được, thế thì ta sẽ hi sinh tính mạng để giữ lấy đại nghĩa.)
Trong nguyên tác, hai đoạn ở hai thiên khác nhau, tác giả viết gộp lại.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/12/2020
Nguyên tác Trung văn
MẠNH TỬ KẾ THỪA PHÁT TRIỂN NHO GIA HỌC THUYẾT
孟子继承发展儒家学说
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)