MẠNH TỬ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN HỌC THUYẾT
NHO GIA
(kì 3)
Mạnh Tử
còn nhấn mạnh, học tập phải chuyên tâm trí chí. Ông nói với học trò rằng:
- Lấy cờ vây ví dụ. Đánh cờ vây là một việc nhỏ,
nhưng nếu không nhất tâm nhất ý thì không thể học được bí quyết của nó. Để nói
rõ đạo lí này, ông đặc biệt kể một câu chuyện:
Có một
người tên Thu 秋, là danh thủ cờ vây nổi tiếng cả nước, có hai người mộ
danh đến xin học. Khi ông Thu giảng, một người tập trung tinh lực, tĩnh tâm
nghe giảng, còn người kia tâm không yên, tai thì nghe giảng, nhưng tâm lại nghĩ
khi thiên nga bay đến làm thế nào để bắn hạ. Như vậy, người thứ hai học chắc chắn
không bằng người thứ nhất. Lẽ nào có thể nói người thứ hai không thông minh bằng
người thứ nhất? Đương nhiên là không phải. Nguyên nhân ở chỗ anh ta không
chuyên tâm trí chí để học.
Về sau,
“chuyên tâm trí chí” 专心致志 (1) trở thành thành ngữ mà người ta thường dùng, ví việc
nhất tâm nhất ý, tập trung tinh thần.
Một lần
nữa Mạnh Tử răn học trò, học tập cần phải nỗ lực không ngừng, có như vậy mới nhất
định có ngày sẽ thành công. Ông lại đưa ra ví dụ: giếng đã đào sâu được 9 nhẫn 仞 rồi
(thời cổ 8 xích 尺 hoặc 9 xích gọi là 1 nhẫn 仞), vẫn chưa đến được mạch nước, nếu không nỗ lực đào
tiếp , giữa đường bỏ dỡ, thì phí cả toàn bộ sức lực. Việc cầu học cũng như vậy.
Yêu cầu
của Mạnh Tử đối với học trò rất nghiêm khắc, tiêu chuẩn rất cao, nhưng đối với
bản thân mình, tiêu chuẩn càng cao hơn. Có một lần, Mạnh Tử thẳng thắn nói với
học trò rằng: Khi dạy người khác bắn tên, tất phải kéo dây cung thật căng, đồng
thời yêu cầu người học cũng phải kéo dây cung thật căng. Người thợ giỏi khi dạy
học trò, phải vận dụng quy củ vuông hoặc tròn, đồng thời yêu cầu người học nghề
cũng phải theo quy củ mà làm. Chỉ có theo yêu cầu và tiêu chuẩn nghiêm khắc mà
làm việc, mới có thể chân chính học được.
Nhưng Mạnh
Tử cũng không hoàn toàn cứng nhắc yêu cầu học trò phải theo quy củ mà làm việc.
Ông gợi mở cho đệ tử rằng:
Tử tượng luân dư, năng dữ nhân quy củ, bất
năng sử nhân xảo.
梓匠轮舆, 能与人规矩, 不能使人巧
Ý nghĩa của câu này là, làm người thợ, như thợ chế tạo
xe, chỉ có thể dạy người ta hiểu được dùng cái quy để vẽ hình tròn, dùng cái củ
để vẽ hình vuông, mà không thể dạy người ta tạo ra phương pháp xảo diệu. Phương
pháp xảo diệu là dựa vào bản thân sau khi hiểu được cách sử dụng quy củ, ra sức
suy nghĩ và lĩnh ngộ.
Cũng
như Khổng Tử, Mạnh Tử từng chu du liệt quốc, đến qua các nước Tề, Tống, Đằng,
Nguỵ ... tuyên dương chủ trương chính trị của mình, hi vọng được trọng dụng.
Mạnh Tử
chu du liệt quốc, chủ yếu là khuyên quốc quân các nước chư hầu thực hành chủ
trương “nhân chính” 仁政và “nghĩa” 义 của mình, đồng thời tiến thêm một bước đề xuất khôi phục
chế độ tỉnh điền.
Tương
truyền, chế độ tỉnh điền là một loại chế độ đất đai thời Ân Chu. Đó là đem ruộng
phân làm những ô vuông có diện tích nhất định, chung quanh có cương giới, ở giữa
có đường nhỏ, ngang dọc như chữ 井 (tỉnh), gọi là “tỉnh điền” 井田;
nô lệ cày cấy trong “tỉnh điền”, các chủ nô lệ lớn nhỏ đều có “tỉnh điền” lớn
nhỏ không đều nhau. Nhưng đến thời Mạnh Tử, theo sự sản sinh chế độ tư hữu đất
đai của địa chủ phong kiến, nó đã hướng đến chỗ suy vong.
Chế độ
“tỉnh điền” mà Mạnh Tử muốn khôi phục có chỗ khác với chế độ tỉnh điền trong lịch
sử. Ông đề xuất ruộng 900 mẫu là một “tỉnh điền”, 100 mẫu ở giữa là công điền,
còn 800 mẫu chung quanh là tư điền, quy cho 8 hộ cày cấy. Nhưng, trước tiên phải
cày xong công điền sau đó mới cày tư điền. Chế độ tỉnh điền này, thực tế là để
địa chủ quay lại làm chủ nô lệ, nông dân quay lại địa vị nông nô, hiển nhiên nó
không phù hợp với trào lưu xã hội đương thời. nhân đó mà không được quốc quân
các chư hầu áp dụng.
Chế độ
tỉnh điền của Mạnh Tử tuy thoái lui, nhưng một số chủ trương chính trị của ông
cũng bao hàm một số tư tưởng tiến bộ. Ví dụ như ông nói:
Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh
民为贵,社稷次之,君为轻
Ý nghĩa là bách tính là quan trọng nhất, thứ đến là quốc
gia, quốc quân là thứ yếu. Điều này nói rõ ông rất coi trọng dân quyền. ....
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Chuyên tâm
trí chí 专心致志: thành ngữ này xuất xứ từ Mạnh Tử
- Cáo Tử thượng 孟子 - 告子上.
Dịch Thu, thông quốc chi thiện dịch giả dã.
Sử Dịch Thu hối nhị nhân dịch, kì nhất nhân chuyên tâm trí chí, duy Dịch Thu
chi vi thính. Nhất nhân tuy thính chi, nhất tâm dĩ vi hữu hồng hộc tương chí,
tư viên cung chước nhi xạ chi, tuy dữ chi câu học, phất nhược chi hĩ. Vi thị kì
trí phất nhược dư? Viết: Phi nhiên dã.
弈秋, 通国之善弈者也. 使弈秋诲二人弈, 其一人专心致志, 惟弈秋之为听. 一人虽听之, 一心以为有鸿鹄将至, 思援弓缴而射之, 虽与之俱学, 弗若之矣. 为是其智弗若与? 曰: 非然也.
(Dịch
Thu là cao thủ đánh cờ trong cả nước. Giả như để Dịch Thu dạy hai người đánh cờ,
một người nhất tâm nhất ý học, chỉ nghe những lời Dịch Thu giảng. Còn người kia
tuy tai thì nghe, nhưng trong lòng lại cho rằng có thiên nga bay đến, muốn lấy
cung lắp tên để bắn, tuy cùng học đánh cờ với người thứ nhất, nhưng lại học
không tốt như người nọ. Do bởi trình độ thông minh của anh ta thua người kia sao?
Đương nhiên là không phải như thế.)
(Mạnh Tử 孟子: Vạn Lệ Hoa 万丽华, Lam Húc 蓝旭 chú dịch. Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2007)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/12/2020
Nguyên tác Trung văn
MẠNH TỬ KẾ THỪA PHÁT TRIỂN NHO GIA HỌC THUYẾT
孟子继承发展儒家学说
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)