Dịch thuật: Lí Bạch làm thơ tặng tên

 

LÍ BẠCH LÀM THƠ TẶNG TÊN

          Thi tiên Lí Bạch 李白 thiên tư thông tuệ từ nhỏ. Năm Lí Bạch lên 10 tuổi, ngày nọ phụ thân ra ngoài, có một vị học giả ẩn cư ở Mân Sơn 岷山 đến thăm, Lí Bạch cung kính hỏi:

          - Xin hiền ông cho biết tôn tính đại danh để tiểu nhân bẩm báo lại gia phụ.

          Ông lão biết Lí Bạch thông tuệ, bèn nghĩ cách để thử. Thế là ông lão cười nói rằng:

          - Ta hiệu là Đông Nham Tử 东岩子, bình sinh thích nuôi kì cầm dị thú, họ ‘hữu nhân thâu’ 有人偷, tên ‘điểu lạc sơn đầu bất kiến cước’ 鸟落山头不见脚  (1)

          Lí Bạch sau khi nghe qua, suy nghĩ trong chốc lát, liền vòng tay đáp rằng:

          - Tiểu nhân biết rồi, hiền ông họ Du tên Đảo , đợi gia phụ về nhất định sẽ bẩm báo lại.

          Ông lão nghe qua, kinh ngạc than rằng:

          - Tài của cháu đáng mừng, trí tuệ của cháu đáng mừng.

          Sau khi Lí Bạch trưởng thành trở thành thi nhân, cũng thích làm thơ tên người và đoán tên người. Hàn lâm học sĩ đời Đường là Viên Giao 袁郊trong Cam Trạch dao 甘泽谣 có thuật lại câu chuyện Lí Bạch đề thơ tặng tên.

          Khoảng thời niên hiệu Thiên Bảo 天宝 nhà Đường, có một vị âm nhạc gia tên Lí Mô 李谟, giỏi thổi ống địch, là bạn thân của Lí Bạch. Năm nọ, Lí Mô có được cháu ngoại vô cùng vui mừng, muốn nhờ Lí Lí Bạch đặt cho cháu một cái tên, liền bế cháu vừa mới đầy tháng đến nhà Lí Bạch. Đương lúc Lí Bạch vừa cùng với bạn uống rượu xong, hơi ngà ngà, sau khi nghe Lí Mô nói rõ ý định, ông không hề đặt tên cho cháu, mà là thuận tay viết một bài thơ đưa cho Lí Mô. Bài thơ viết rằng:

Thụ hạ bị hà nhân

Bất ngữ chân ngô hảo

Ngữ nhược cập nhật trung

Yên phi tạ thành bảo

树下被何人

不语真吾好

语若及日中

烟霏谢成宝

          Lí Mô xem qua không hiểu, cho rằng Lí Bạch uống đã say, mà mình đến cũng không đúng lúc, bèn cáo từ định đi. Lí Bạch cười bảo rằng đã đặt tên cho cháu rồi, ở trong bài thơ đó, bèn giải thích:

          “Thụ hạ” 树下 (dưới cây) là “mộc tử” 木子, hợp lại là chữ “lí” .

          “Bất ngữ” 不语 (không nói) là “mạc ngôn” 莫言, hợp lại là chữ “mô” / .

          Chữ “hảo” tách ra là chữ “nữ” và chữ “tử” , “nữ chi tử” 女之子 (con của con gái) tức cháu ngoại.

          “Ngữ cập nhật trung” 语及日中 chính là nói đến giữa trưa, tức “ngôn ngọ” 言午, “ngôn ngọ” hợp lại là chữ “hứa” / .

          “Yên phi” 烟霏là “vân” (mây), “bảo” chỉ “bảo đỉnh” 宝鼎 (cái đỉnh quý), hoàng đế sau khi được bảo đỉnh sẽ lên Thái Sơn 泰山 phong thiện. “Yên phi tạ thành bảo” 烟霏谢成宝tức “vân phong” 云封, cho nên bốn câu hợp lại chính là “Lí Mô ngoại tôn Hứa Vân Phong” 李谟外孙许云封.

          Lí Mô nghe xong, bỗng nhiên tỉnh ngộ, hoá ra tên của cháu ngoại trong bài thơ đó. Đối với tên đó, Lí Mô vô cùng hài lòng, cũng từ đó đối với thi tài của Lí Bạch ông càng bội phục.

          Câu chuyện chân thực này, trong Toàn Đường thi 全唐诗 có thu thập bài thơ này của Lí Bạch. Sau khi Hứa Vân Phong trưởng thành, đã đem câu chuyện Lí Bạch  đặt tên cho mình kể lại với thi nhân Vi Ứng Vật 韦应物.

Chú của người dịch

1- Hữu nhân thâu 有人偷: Chữ (thâu) có nghĩa là lấy cắp, gồm bộ (nhân) và chữ (du). “Hữu nhân thâu” có người lấy cắp, tức chữ   bỏ chữ (nhân) còn lại là chữ (du).

Điểu lạc sơn đầu bất kiến cước鸟落山头不见脚.: Chim đậu nơi đầu núi không thấy chân. Chữ (điểu) bỏ phần ở dưới chân, thêm vào chữ sơn thành chữ (đảo).

                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                     Quy Nhơn 06/12/2020

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ

中国人名的故事

Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年

               Trương Dĩnh Chấn  张颖震

Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005

Previous Post Next Post