VƯƠNG HI CHI VIẾT CHỮ ĐỔI NGỖNG
Vương Hi Chi 王羲之 là thư pháp gia nổi tiếng thời Đông Tấn ở Trung Quốc, có xưng hiệu là “Thư thánh” 书圣. Thư pháp của Vương Hi Chi thu thập sở trường của nhiều người, tự thành một thể, nhất là sở trường về hành thư, Lan Đình Tập Tự 兰亭集序 mà ông viết được khen là “thiên hạ đệ nhất hành thư” 天下第一行书. Vương Hi Chi lúc về già xưng bệnh từ quan, định cư tại Kim Đình 金庭 (nay là Thiệu Hưng 绍兴 Chiết Giang 浙江), qua đời năm 361.
Vương Hi Chi王羲之
là đại thư pháp gia thời Đông Tấn ở Trung Quốc. Ông xuất thân sĩ tộc, lại thêm
tài hoa của ông xuất chúng, các đại thần công khanh trong triều đều tiến cử ông
làm quan. Ông làm qua Thứ sử, đảm nhiệm qua chức Hữu tướng quân (mọi người gọi
ông là Vương Hữu Quân 王右军).
Vương Hi Chi từ nhỏ đã thích viết chữ,
Tương truyền bình thường lúc đi đường, lúc nào cũng dùng ngón tay luyện chữ. Trải
qua học tập chuyên cần, luyện tập khắc khổ, thư pháp của ông ngày càng nổi tiếng.
Người đương thời đều xem chữ của ông như là bảo bối.
Truyền thuyết kể rằng, có một lần
Vương Hi Chi đi đến một thôn nọ, có một bà lão xách một giỏ quạt trúc ra chợ
bán. Những chiếc quạt đó rất đơn sơ, không trang sức gì, không gây hứng thú cho
người đi đường, xem ra bán không được, bà lão vô cùng sốt ruột. Vương Hi Chi thấy
tình hình đó rất đồng tình bèn tiến lên trước nói rằng:
- Quạt
trúc của bà không có vẽ tranh cũng không có chữ, đương nhiên là bán không được.
Tôi sẽ đề chữ lên quạt cho bà, bà thấy thế nào?
Bà lão không nhận biết Vương Hi Chi, nhưng
thấy người này có nhiệt tâm nên đã giao quạt trúc cho ông viết chữ. Vương Hi
Chi cầm bút lên, trên mỗi chiếc quạt viết năm chữ như rồng bay phượng múa, rồi
đưa lại cho bà lão. Bà lão không biết chữ, cảm thấy ông ấy viết sơ sài, nên rất
không vui.
Vương Hi Chi an ủi bà lão rằng:
- Chớ
vội. Bà nói cho người mua quạt biết, chữ bên trên là chữ của Vương Hữu Quân.
Vương Hi Chi đi khỏi, bà lão làm theo
lời dặn. Người đi chợ vừa nhìn thấy đúng là thư pháp của Vương Hữu Quân, liền
tranh nhau mua. Cả một giỏ quạt trong phút chốc bán hết.
Các nghệ thuật gia đều có sở thích của
mình, có người thích trồng hoa, có người thích nuôi chim. Nhưng Vương Hi Chi lại
có một sở thích đặc biệt, bất luận nơi nào có ngỗng tốt, ông đều hứng thú đi
xem, hoặc giả mua về thưởng ngoạn.
Vùng Sơn Âm 山阴 có một đạo sĩ,
muốn Vương Hi Chi viết cho mình quyển Đạo
đức kinh 道德经. Nhưng ông biết Vương Hi Chi là người không dễ dàng gì sao chép kinh
thư. Về sau, đạo sĩ hỏi thăm biết Vương Hi Chi thích ngỗng trắng, liền cố ý
nuôi một số ngỗng loại tốt.
Vương Hi Chi nghe nói nhà đạo sĩ có
nhiều ngỗng tốt, liền đến xem. Khi Vương Hi Chi đến gần nhà đạo sĩ, thấy trên
sông có một bầy ngỗng đang bơi thung dung, toàn thân lông trắng như tuyết, điểm
sắc đỏ trên đỉnh đầu cao cao, quả thực khiến người ta ưa thích. Vương Hi Chi đứng
bên sông nhìn, dường như không nỡ rời đi, liền sai người đi tìm đạo sĩ, yêu cầu
bán bầy ngỗng đó cho ông.
Đạo sĩ cười nói rằng:
- Vương
Công đã yêu thích như thế, không cần phải tốn kém đâu, tôi sẽ tặng hết bầy ngỗng
đó cho ông. Nhưng tôi có một yêu cầu, đó là xin ông viết cho tôi một quyển
kinh.
Vương Hi Chi không hề do dự liền sao chép cho đạo sĩ quyển kinh, bầy ngỗng kia được Vương Hi Chi đưa về nhà.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/11/2020
Nguyên tác Trung văn
VƯƠNG HI CHI TẢ TỰ HOÁN NGA
王羲之写字换鹅
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 4)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015