Dịch thuật: Thanh tĩnh tu đạo - Liệt Tử

 

THANH TĨNH TU ĐẠO – LIỆT TỬ 

          Liệt Tử 列子, tên Khấu , một tên khác là Ngự Khấu 御寇, người nước Trịnh thời Xuân Thu, người đi đầu của phái Đạo gia học. Ông suốt đời chú trọng đạo đức học vấn, không cầu danh lợi, thanh tĩnh tu đạo, từng theo học với Quan Doãn Tử 关尹子, Hồ Khâu Tử 壶丘子, Lão Thương Thị 老商氏, Chi Bá Cao Tử 支伯高子. Chủ trương quý hư, vô vi nhi trị. Về sau ông được Đạo giáo tôn là “Xung Hư Chân Nhân” 冲虚真人.

Đạo gia phong phạm siêu nhiên vật ngoại

          Liên quan đến cuộc đời của Liệt Tử do bởi điển tịch lưu lại có hạn nên không thể khảo cứu. Chỉ là trong bộ Liệt Tử 列子 có ghi chép những câu chuyện liên quan tới ông.

          Liệt Tử một đời sống yên với nghèo khó, không cầu danh lợi, không vào chốn quan trường, ẩn cư 40 năm tại đất Trịnh, không muốn người khác biết. Ông sinh hoạt nghèo khó, vẻ mặt thường có sắc đói. Có người khuyên Tử Dương 子阳 đang chấp chính nước Trịnh trợ giúp cho Liệt Tử để có được danh tiếng yêu mến kẻ sĩ, thế là Tử Dương liền phái người tặng ông 10 xe lương thực. Liệt Tử đôi ba lần cảm tạ nhưng không chịu nhận. Vị quan nọ đành đem lương thực trở về. Vợ của Liệt Tử trách rằng:

          - Thiếp tôi nghe nói người có đạo, vợ con đều có được cuộc sống sung sướng. Hiện ta đang thiếu đói, Tể tướng phái người tặng lương thực cho chúng ta thế mà ông lại không nhận. Thiếp tôi quả thật có số khổ!

          Liệt Tử cười bảo rằng:

          - Tử Dương hoàn toàn không hiểu ta, chỉ là nghe người khác nói mới tặng cho lương thực. Sau này ông ta cũng có thể nghe theo người khác mà đến trách tội ta, cho nên ta không thể nhận.

          Một năm sau nước Trịnh phát sinh biến loạn, Tử Dương bị giết, nhiều người theo phe nhóm của ông bị liên luỵ mà chết, Liệt Tử nhân vì cự tuyệt nhận quan lương nên không bị liên can.

          Trong truyền thuyết dân gian, Liệt Tử có thể cưỡi gió mà đi, một khi đã bay đi là mấy ngày liền. Dạo chơi đủ rồi mới trở về nhà, vô cùng tiêu sái thần bí. Những truyền thuyết này tuy khoa trương, nhưng cũng gián tiếp phản ánh sự tinh thâm về Đạo gia học vấn của Liệt Tử và Đạo gia phong phạm siêu nhiên vật ngoại.

Tư tưởng đạt quan về đạt sinh lạc tử

          Tư tưởng của Liệt Tử trong Đạo gia có ảnh hưởng sâu rộng, ông đã đem tư tưởng đạt quan của Đạo gia phát triển đến cực điểm.

          Trong bộ Liệt Tử có câu chuyện ngụ ngôn: Có một người mắc chứng hay quên, ngay cả vợ con của mình cũng không nhận ra. Về sau, người nhà tìm đưa về một nho sinh trị khỏi chứng hay quên của ông ta. Nhưng ông ta lại nổi giận, không chỉ mắng vợ đánh con, mà còn cầm dao truy sát nho sinh nọ. Người ta hỏi vì sao lại làm như thế, ông ta nói rằng:

          - Trước đây tôi hay quên, trong đầu của tôi trống rỗng, không biết trời đất có hay không. Hiện đột nhiên rõ tất cả quá khứ, sự tồn vong, đắc thất, ai lạc, hiếu ố, trăm ngàn đầu mối của mấy chục năm lũ lượt xuất hiện toàn bộ. Tôi sợ trong tương lai, sự tồn vong, đắc thất, ai lạc, hiếu ố cũng sẽ quấy rầy tôi như thế, muốn có một chút quên thì có được chăng?

          Liệt Tử quý hư, tức bảo trì hư tĩnh của nội tâm, quên tự thân, quên sinh tử, quên hết sự vật ngoài thân, tức “vật ngã lưỡng vong” 物我两忘 (vật và ta cả hai đều quên), hết thảy thuận theo tự nhiên. Theo cách nhìn của Liệt Tử, “hư” khiến chủ thể không chỉ thoát được sự đau khổ và phiền não, mà còn có được hạnh phúc và đầy đủ, chính như người hay quên trong câu chuyện ngụ ngôn ở trên.

          Đối với sinh và tử, Liệt Tử cũng có cách nhìn độc đáo riêng của mình. Trong bộ Liệt Tử có câu chuyện, nói rằng khi Khổng Tử đi chơi ở Thái Sơn 泰山, gặp một người tên Vinh Khải Kì 荣启期, áo quần không đủ che thân nhưng lại rất vui vẻ ngồi bên đường tự đàn tự hát. Khổng Tử hỏi ông ta vì sao lại vui vẻ như thế, ông ta đáp rằng:

          - Trong thiên địa vạn vật, con người là tôn quý nhất, ta may mắn sinh ra là con người, đó là điều khoái lạc thứ nhất của ta. Con người có nam có nữ, nam tôn nữ ti, ta may mắn là nam, đó là điều khoái lạc thứ hai của ta. Thọ mệnh của con người có dài có ngắn, có người vừa mới sinh ra đã mất, còn ta sống đến 90 tuổi rồi, đó là điều khoái lạc thứ ba của ta. Còn như sự nghèo khó trong cuộc sống đối với ta mà nói là việc cực bình thường, còn tử vong chẳng qua cũng chỉ là điểm cuối cùng của nhân sinh mà thôi, có gì đáng sợ đâu?

          Liệt Tử cho rằng thiên địa vạn vật và con người đều có giai đoạn khởi đầu và chung kết, người ta chỉ cần nhìn thẳng đạo lí tất nhiên này, không cưỡng cầu trường sinh, càng không nhân vì khát cầu sự “sinh” mà phá hoại cả một hoàn cảnh sinh tồn, để có thể khắc phục tâm lí ham sống sợ chết, lấy tâm thái thông đạt mà đối mặt với sinh tử, bảo trì trạng thái tự nhiên của sinh mệnh mà không thay đổi gì thêm, khi cái chết đến thì thản nhiên mà tiếp nhận, tức điều mà gọi là “đạt sinh lạc tử” 达生乐死, cũng giống như Vinh Khải Kì vui vẻ tự tại.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 07/11/2020

Nguyên tác Trung văn

THANH TĨNH TU ĐẠO –  LIỆT TỬ

清静修道 - 列子

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post