Dịch thuật: Tế điệu Khuất Nguyên (Tư Mã Thiên)

 

TẾ ĐIỆU KHUẤT NGUYÊN 

          Xuất phát từ nhu cầu củng cố chính quyền và để kinh tế phồn vinh, giao thông thuỷ lục đời Hán đã rất phát đạt.

          Tư Mã Thiên 司马迁sau khi xuất phát từ Trường An 长安, đi về hướng đông nam, kinh qua Vũ Quan 武关 (nay là phía đông nam Đan Phụng 丹凤Thiểm Tây 陕西), thẳng đến Nam Dương 南阳 (nay là Nam Dương南阳Nam 河南). Tại đây theo đường thuỷ, ngồi thuyền thuận dòng Trường Giang đi xuống, đến bên hồ Động Đình 洞庭.   Trên đường đi, sáng sớm xuất phát, chiều tối nghỉ lại, xem như cũng thuận lợi. Mỗi khi gặp được các bậc trưởng thượng, Tư Mã thiên chủ động tiến lên lễ phép chuyện trò, hiểu được phong tục nơi đó, tăng trưởng kiến thức. Có lúc nghỉ tại trà quán tửu lâu, đặc biệt lưu ý những cuộc chuyện trò của người khác, có gì nghi vấn, Tư Mã Thiên liền khiêm tốn nói ra, xin được thỉnh giáo. Trên đường đi, Tư Mã Thiên rất có hứng thú đối với danh sơn đại xuyên, di chỉ cổ, chiến trường xưa, văn bia khắc thạch, miếu vũ tông từ ... nhìn thấy văn bia khắc thạch đều ghi chép lại rất kĩ lưỡng.

          Đến cuối năm, Tư Mã Thiên giục thuyền rời khỏi hồ Động Đình, đi ngược dòng Mịch La 汨罗, đến huyện La lệ thuộc quận Trường Sa 长沙. Huyện La ở vào nơi xa xôi, nhân khẩu chỉ mấy vạn, thời Tần lập huyện nơi đây. Tần vong Hán hưng, huyện La y như cũ. Vùng đất ẩm thấp nhiều mưa này, từ lâu đã khiến tâm thần của Tư Mã Thiên hướng đến. Bởi vì, sông Mịch La chảy qua nơi đây, mà con sông này gắn liền với tên của một nhân vật vĩ đại – đó chính là Khuất Nguyên 屈原.

          Khuất Nguyên屈原, tên Bình , từng với tài hoa phi phàm đã làm qua chức Tả đồ 左徒, Tam Lư Đại Phu 三闾大夫 của nước Sở, phò tá Sở Hoài Vương 楚怀王 trị quốc. Về chính trị ông chủ trương cải cách, từng nói với Sở Hoài Vương: “Nước Sở tuy lớn, nhưng tích chứa cái yếu đã lâu, đó là do bởi trường kì quay lưng với pháp độ, làm việc không có chuẩn tắc, mọi người đều theo sở dục của riêng mình, nhậm dùng người theo quan hệ thân thuộc. Muốn tranh hùng cùng các nước để sinh tồn đồng thời chuyển liệt thành ưu, tất phải làm rõ pháp độ, tiến cử hiền tài giao nhiệm vụ cho những người có tài năng.” Về ngoại giao, Khuất Nguyên đề xuất, “đông liên Tề quốc, tây kháng cường Tần” 东联齐国, 西抗强秦. Do bởi học thức uyên bác, lại chăm chỉ cần mẫn, cẩn thận nghiêm túc nên đã có những cống hiến to lớn cho nội chính ngoại giao của nước Sở, trở thành rường cột của nước Sở.

          Nhưng, chủ trương cải cách của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của thế lực quý tộc thủ cựu, còn ông ở vào địa vị gặp phải sự đố kị của các quan đồng triều. Thế là họ liên kết với nhau nói xấu về ông. Sở Hoài Vương nghe những sàm ngôn, bãi miễn chức Tả đồ của Khuất Nguyên, phế bỏ chủ trương biến pháp của ông, lại không chịu nghe những lời can ngăn của ông, đích thân đến nước Tần nghị hoà, cuối cùng chết nơi đất Tần.

          Sau khi Sở Hoài Vương chết, con trưởng kế vị, đó chính là Khoảnh Tương Vương 顷襄王. Một số đại thần đố kị Khuất Nguyên lại nói xấu Khuất Nguyên trước mặt Khoảnh Tương Vương, thế là Khuất Nguyên bị đuổi.

          Khuất Nguyên đau buồn rời khỏi Sở cung, xoả tóc đi đến bên bờ sông Mịch La. Trong không gian cây cỏ hoang lương, vừa bước những bước đi không mục đích, vừa ngâm xướng bi ca. Dung mạo của Khuất Nguyên khô héo tiều tuỵ, một ngư phủ nhận ra Khuất Nguyên, kinh ngạc hỏi rằng:

          - Ông không phải là Tam Lư Đại Phu sao? Sao không ở trong triều làm quan mà lại đến đây làm gì?

          Khuất Nguyên bi thán rằng:

          - Người trên thế gian này đều ô trọc, chỉ có ta giữ được sự thanh bạch sạch sẽ; người trong thiên hạ đều say, chỉ có ta là thanh tĩnh, cho nên ta bị đuổi đi.

          Khuất Nguyên nói xong cất lên tiếng cười cuồng dại, tiếng cười đó còn khiến người nghe buốt lòng hơn tiếng khóc.

          Ngư phủ dường như hiểu được tâm cảnh, muốn an ủi nên nói rằng:

          - Ông hà tất phải cố chấp như thế? Cần phải biết biến thông, theo sóng mà đi! Người trên thế gian này đều ô trọc, ông cũng có thể đem ô trọc trong nước khuấy lên để trong đục bất phân; người trong thiên hạ đều say, ngại gì mà ông không uống chút rượu để mình nửa say nửa tỉnh. Như vậy chẳng phải là có thể cùng bình yên vô sự với họ hay sao?

          Khuất Nguyên thiện lương cố chấp, làm sao có thể đồng ý với cách làm đó, đó là đồng lưu hợp ô rồi. .... (còn tiếp)

                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                           Quy Nhơn 17/11/2020

Nguồn

TƯ MÃ THIÊN

司马迁

 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子

Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post