Dịch thuật: Tần Quỳnh bán ngựa

 

TẦN QUỲNH BÁN NGỰA

          Cuối đời Tuỳ, hào kiệt Sơn Đông 山东 Tần Quỳnh 秦琼  (1) làm đương sai  当差  (2) ở phủ Tế Nam 济南 nhận mệnh đến Lộ Châu 潞州 làm việc, chẳng may tại quán trọ nhuốm bệnh, lộ phí mang theo đều dùng hết. Trong lúc không biết làm sao, ông dắt con hoàng phiếu mã 黄骠马 (3) mà ông rất thích cưỡi đến Nhị Hiền trang 二贤庄 bên ngoài cửa phía tây để bán.

          Tần Quỳnh buộc ngựa dưới gốc cây hoè lớn ở phía nam Nhị Hiền trang. Đơn Hùng Tín 单雄信 nghe nói có người bán ngựa liền ra xem. Tần Quỳnh tại Sơn Đông sớm đã nghe nói Đơn Hùng Tín là một vị hảo hán, chỉ vì trước mắt cùng khốn nên xấu hổ, không nói danh tính chân thực, chỉ nói là đến từ Tế Nam. Đơn Hùng Tín mới Tần Quỳnh vào phủ uống trà, nhân tiện hỏi thăm hảo hán Sơn Đông Tần Thúc Bảo 秦叔宝 mà ông vốn ngưỡng mộ đã lâu. Tần Quỳnh nói dối rằng:

          - Người mà viên ngoại hỏi thăm là bạn đồng nha của tiểu đệ.

          Đơn Hùng Tín nghe qua biết người này với Tần Thúc Bảo là bạn bè, liền viết một phong thư đưa cho Tần Quỳnh, đồng thời trả tiền ngựa là 30 lạng bạc, còn tặng thêm 3 lạng và 2 tấm lụa.

Lại nói về Tần Quỳnh gạt được Đơn Hùng Tín, nhưng với vị hảo hán gặp tại tửu lâu ở Lộ Châu tên là Vương Bá Đương 王伯当 biết được đi nói với Đơn Hùng Tín, làm cho Đơn Hùng Tín tìm Tần Quỳnh khắp nơi. Về sau cuối cùng hai vị anh hùng gặp được nhau, Đơn Hùng Tín thịnh tình khoản đãi, để Tần Quỳnh yên tâm dưỡng bệnh 8 tháng tại Nhị Hiền trang. Lúc chia tay, Đơn Hùng Tín đã tặng bàn đạp bằng vàng và yên ngựa bằng bạc, đồng thời tặng thêm vàng và lụa. Từ đó hai người kết làm bạn thân. Sau này trong cuộc khởi nghĩa nông dân lậy đổ triều Tuỳ cả hai người cùng chung mối thù, gây dựng công nghiệp không thể phai mờ cho quân khởi nghĩa. Sau khi triều Đường hưng khởi, Tần Quỳnh suốt đời bảo vệ triều Đường, còn Đơn Hùng Tín thì chống lại triều Đường tới cùng. Mặc dù hai người sau này phân làm hai ngả, nhưng tình huynh đệ kết giao trong lúc hoạn nạn vẫn như cũ. “Tần Quỳnh kiến từ báo Hùng Tín” 秦琼建祠报雄信 trong Thuyết Đường 说唐, chính là nói khi Tần Quỳnh nghe tin Đơn Hùng Tín bị bắt đã vội vàng đến cứu, nhưng khi đến nơi, đầu của Đơn Hùng Tín đã rơi xuống đất. Tần Quỳnh ôm lấy đầu của Đơn Hùng Tín quỳ trên đất, đau đớn khóc than không dứt. Về sau Tần Quỳnh hợp táng vợ chống Đơn Hùng Tín bên ngoài cửa nam thành Lạc Dương 洛阳, xây dựng một từ đường đặt tên là “Báo Ân Từ” 报恩祠để báo đáp ơn tri ngộ ở Lộ Châu.

Chú của người dịch

1- Tần Quỳnh 秦琼 (? – 638): Tự Thúc Bảo 叔宝, người Lịch Thành 历城 Tế Châu 济州 (nay là khu Lịch Thành 历城 thành phố Tế Nam 济南 tỉnh Sơn Đông 山东), danh tướng cuối đời Tuỳ đầu đời Đường. Ông vũ dũng hơn người, nổi tiếng khắp gần xa. Mới đầu làm quan cho triều Tuỳ, nhậm chức dưới trướng của Lai Hộ Nhi 来护儿, Trương Tu Đà 张须陀, Bùi Nhân Cơ 裴仁基. Về sau, đầu bôn Lí Mật 李密, lãnh tụ của quân khởi nghĩa Ngoã Cương 瓦岗. Sau khi Ngoã Cương bại vong, ông đến với Vương Thế Sung 王世充. Nhân vì Vương Thế Sung gian trá, ông cùng Trình Giảo Kim 程咬金 đầu bôn cha con Lí Uyên 李渊, Lí Thế Dân 李世民. Sau theo Tần Vương Lí Thế Dân nam chinh bắc chiến, lập nhiều chiến công, bái làm Tả vũ vệ Đại tướng quân 左武卫大将军, Dực Quốc Công 翼国公. Năm Trinh Quán 贞观 thứ 12 (năm 638) Tần Quỳnh bệnh và qua đời, được truy tặng Từ Châu Đô đốc 徐州都督, Hồ Quốc Công 胡国公, thuỵ hiệu là Tráng , được liệt vào một trong 24 vị công thần ở Lăng Yên Các 凌烟阁.

https://baike.baidu.com/item/%E7%A7%A6%E7%90%BC/67989

2- Đương sai 当差: chỉ viên tiểu lại hoặc người giúp việc ngày xưa.

3- Hoàng phiếu mã 黄骠马: một loại ngựa sắc vàng pha trắng, sắc trắng đa phần ở dưới bụng và hai bên sườn, chủ yếu nhất là trên đầu có lông trắng, hình trạng tròn như trăng tròn, còn có biệt danh là “Tây Lương ngọc đính can thảo hoàng” 西凉玉顶干草黄. Hoàng phiếu mã cho dù có ăn no, xương sườn vẫn lộ ra bên ngoài, cho nên còn có biệt danh nữa là “Thấu cốt long” 透骨龙, nó là loại ngựa quý khó có.

 https://baike.baidu.com/item/%E9%BB%84%E9%AA%A0%E9%A9%AC

4- Đơn Hùng Tín 单雄信 (? – 621): Người Tế Âm 济阴 Tào Châu 曹州 (nay là phía tây bắc huyện Tào thành phố Hà Trạch 菏泽tỉnh Sơn Đông 山东), mãnh tướng cuối đời Tuỳ đầu đời Đường, vũ dũng hơn người. Ông cùng với Từ Thế Tích 徐世勣 – người cùng quận có quan hệ rất tốt, thề cùng sinh tử. Cuối đời Tuỳ, ông với Từ Thế Tích gia nhập quân khởi nghĩa Ngoã Cương 瓦岗 của Địch Nhượng 翟让  phản Tuỳ. Sau Địch Nhượng bị giết, trong trận chiến giữa Lí Mật 李密và Vương Thế Sung 王世充 ở Yển Sư 偃师, Đơn Hùng Tín quy hàng Vương Thế Sung, Từ Thế Tích đến với cha con Lí Uyên 李渊. Sau khi Vương Thế Sung bị Lí Thế Dân 李世民 đánh bại, Từ Thế Tích cầu xin cho Đơn Hùng Tín nhưng thất bại, Đơn Hùng Tín bị chém đầu.

https://baike.baidu.com/item/%E5%8D%95%E9%9B%84%E4%BF%A1

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 04/11/2020

Nguồn

http://www.duyou8.com/article-5172.html

Previous Post Next Post