Dịch thuật: Độc thư yếu há khổ công .... (Vi lô dạ thoại)

 

读书要下苦功    为人要留德泽

读书不下苦功, 妄想显荣, 岂有此理? 为人全无好处, 欲邀福庆, 从何得来?

                                                                                   (围炉夜话)

ĐỘC THƯ YẾU HÁ KHỔ CÔNG

VI NHÂN YẾU LƯU ĐỨC TRẠCH

          Độc thư bất há khổ công, vọng tưởng hiển vinh, khởi hữu thử lí? Vi nhân toàn vô hảo xứ, dục yêu phúc khánh, tùng hà đắc lai?

                                                                            (Vi lô dạ thoại)

ĐỌC SÁCH CẦN PHẢI KHỔ CÔNG

LÀM CHO NGƯỜI CẦN PHẢI LƯU ĐỨC TRẠCH

          Đọc sách không chịu khổ công, mà lại muốn có được vinh hiển, thì trong thiên hạ làm gì có đạo lí như thế? Đối đãi với người khác không có một chút tốt đẹp nào, mà lại muốn có được phúc phận cát khánh, thì phúc phận cát khánh đó từ đâu mà tới?

Phân tích và thưởng thức

          Làm quan lớn, làm việc lớn không phải là việc dễ. Muốn trị lí một quận huyện, nếu không có tri thức và học vấn tương đương thì làm sao có thể thi hành rộng rãi chính vụ? Nếu phán đoán sai lầm, không chỉ hại nước hại dân, điều mà gọi là vinh hiển, cũng trở thành nỗi khuất nhục đáng xấu hổ.

          Sự vinh hiển của cá nhân, chẳng qua chỉ là năng lực mạnh hơn người khác, mà năng lực lại từ tri thức mà có, đã không thể khổ công học tập, mở rộng lĩnh vực tri thức của mình, không thể đi vạn dặm đường, để tăng thêm kiến văn, mà muốn hiển đạt vinh diệu thỉ chỉ thuần tuý là bàn suông. Lấy cách nói của hiện đại mà nói, trong xã hội ngành nghề nào mà không cần tri thức? Không có tri thức mà muốn thành sự lập đại nghiệp, chỉ là dựa vào hoang đường mà thôi.

          Còn như phúc khánh, hoàn toàn không phải từ trên trời rơi xuống, bất kì sự việc nào cũng đều có nhân có quả, không có nhân mà được quả, dứt khoát không có lí này. Phúc phận của nhân gian, không ngoài hai loại: “tự cầu đa phúc” 自求多福 và ‘tha cầu thiện phúc” 他求善福. “Thường lí” 常理 của hai loại này, thứ khác là “phi thường lí” 非常理. Trúng số hoặc được tài sản là ngẫu nhiên, là may mắn, nhưng cũng phải mua vé số hoặc tiên nhân có tiền của, xem đó là nhân.

          “Tự cầu đa phúc” là đoan chính cái tâm, nỗ lực ở công việc, tâm không vọng cầu, tự được niềm hoan lạc. “Tha cầu thiện phúc” là làm điều thiện cho người, không làm điều ác cho người, nhân vì giúp người mà được người giúp lại. Do đó có thể thấy, bất luận là thế giới hoặc phi thế giới mà nói, phúc khánh đều có nguyên có nhân, chứ không phải không duyên không cớ mà sinh ra.

Chú của người dịch

Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:

          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 20/11/2020

Nguồn

VI LÔ DẠ THOẠI

围炉夜话

Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬

Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002.

Previous Post Next Post