Dịch thật: Bí ẩn việc mất nước của Nam Đường Hậu Chủ Lí Dục

 

BÍ ẨN VIỆC MẤT NƯỚC CỦA NAM ĐƯỜNG HẬU CHỦ LÍ DỤC 

          Lí Dục 李煜 là vị quốc chủ cuối cùng của nhà Nam Đường 南唐. Khi ông lên ngôi, quốc lực của Nam Đường đã ở vào thế suy yếu. Vị quân chủ với tính cách nhu nhược này luôn cảm nhận sự uy hiếp quốc phá gia vong. Ông thù hận sự áp bức của triều Tống, nhưng lại không có năng lực dùng vũ lực đối kháng lại triều Tống, chỉ cần có thể an phận sống qua ngày ở một nước nhỏ, cam tâm tình nguyện cống vật xưng thần cuối cùng trở thành tù nhân.

          Phụ thân Lí Cảnh 李璟 của Lí Dục là một cao thủ của từ đàn, Lí Dục từ nhỏ đã sống trong một môi trường nồng đậm văn hoá như thế, đối với từ cũng cực kì yêu thích. Lúc lên ngôi, quốc lực Nam Đường ngày càng suy bại, Lí Dục đối mặt với cục diện “Vô khả nại hà hoa lạc khứ” 无可奈何花落去 (Không có cách nào chỉ biết để cho hoa rơi rụng), nhân đó một bộ phận từ của ông thời kì này biểu hiện sự mê luyến cuộc sống xa hoa của cung đình, một bộ phận khác chìm đắm trong ai sầu trầm trọng. Sau khi bị bắt, Lí Dục thân là tù nhân, ngày ngày sống một cuộc sống đầy nước mắt, đối mặt với xuân hoa thu nguyệt, lương thần mĩ cảnh, tình cảm luyến thương cố quốc từ đó sinh ra, thế là ông sáng tác bài Ngu mĩ nhân 虞美人 được thiên cổ truyền tụng:

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu, Vãng sự tri đa thiểu! Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong, Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung. Điêu lan ngọc thế ưng do tại, Chỉ thị chu nhan cải. Vấn quân năng hữu kỉ đa sầu, kháp tự nhất giang xuân thuỷ hướng đông lưu.

          春花秋月何时了, 往事知多少! 小楼昨夜又东风, 故国不堪回首月明中. 雕栏玉砌应犹在, 只是朱颜改. 问君能有几多愁, 恰似一江春水向东流.

          (Hoa xuân năm năm lại nở, trăng thu năm năm lại sáng, thời gian khi nào mới kết thúc? Năm tháng trong quá khứ có biết bao việc khiến người đau buồn.  Đêm qua nơi lầu kia gió từ hướng đông lại thổi về, Lên lầu nhìn trăng sáng không ngăn được quay đầu hướng về cố quốc. Lan can chạm khắc và bậc thềm ngọc trong thành Kim Lăng ngày trước có lẽ đều còn, chẳng qua người ở bên trong đã đổi thay. Tự hỏi xem trong lòng bao nhiêu sầu hận, có lẽ giống như nước sông mùa xuân chảy mãi về đông)

          Không ngờ bài từ này đã trở thành chứng cứ tội trạng của ông, chẳng bao lâu sau ông bị Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa 赵光义sai người hạ độc ông trong ngục.

          Lí Dục không chỉ giỏi về điền từ mà còn rành về âm luật, nhân đó mà hoang phế chính sự. Hoàng hậu Chu Nga Hoàng 周娥皇 là con gái của quan Tư đồ Chu Tông 周宗, thông thư sử, giỏi ca múa, nhất là sử dụng đàn tì bà. Đương thời, Nghê thường vũ y 霓裳羽衣曲 khúc từng lưu truyền vào thời thịnh Đường, sớm bị người ta quên mất, Chu Nga Hoàng tìm được một phần tàn phổ, bà căn cứ vào sự lí giải của mình, sáng tác lại, thông qua nỗ lực, cuối cùng khôi phục được nguyên mạo Nghê thường vũ y khúc. Âm thời Khai Nguyên 开元, Thiên Bảo 天宝 được quay trở lại nhân gian. Chu Nga Hoàng còn tự mình sáng tác hai chi khúc, một là Yêu tuý vũ phá 邀醉舞破, hai là Hận lai trì phá 恨来迟破. Lí Dục và bà, hai người thường cùng ca và múa. Chu Nga Hoàng không chỉ sở trường về âm luật, mà về môn thái hí 采戏 (trò chơi đổ hột súc sắc – ND) môn đánh cờ không môn nào là không tinh thông. Đối với tri kỉ đa tài đa nghệ như thế, Lí Dục sủng ái không thôi, sớm sớm chiều chiều cùng bên nhau, cả ngày chìm đắm trong ca múa. Sau khi Chu Nga Hoàng qua đời, Lí Dục vẫn luôn tưởng nhớ.

          Chu Nga Hoàng có một người em gái, sử xưng là Tiểu Chu Hậu 小周后, phong tư yểu điệu thướt tha, phong tình vạn chủng. Tài năng về âm luật của Tiểu Chu Hậu tuy không bằng người chị là Chu Nga Hoàng, nhưng về cờ lại là cao thủ, rất thích vi kì 围棋 và tượng kì 象棋, nhân đó mà cũng được Lí Dục sủng ái, hai người thường bày thế trận, lấy đó giết thời gian. Một ngày nọ, Lí Dục và Tiểu Chu Hậu đánh cờ, đánh đến độ nan giải nan phân. Để không bị người khác quấy rầy. Lí Dục hạ lệnh cho vệ sĩ giữ cung môn, nhất luật không tiếp đón đại thần đến tấu sự. Một vị đại thần hướng đến Lí Dục tấu báo tình hình thu chi của quốc gia, thu không đủ chi, quốc khố trống rỗng; một đại thần khác tấu báo triều Tống đang điều binh khiển tướng đến xâm phạm bất cứ lúc nào, nhắc Lí Dục sớm phải chuẩn bị, nhưng đều bị vệ sĩ ngăn lại ngoài cung.

          Năm Khai Bảo 开宝 thứ 8, quân Tống công phá Kim Lăng 金陵, Lí Dục dẫn mấy vị đại thần cởi áo ra hàng. Tháng Giêng năm Khai Bảo thứ 9, Lí Dục đến Biện Kinh 汴京, Tống Thái Tổ phong ông làm “Vi Mệnh Hầu” 违命侯. Về sau Tống Thái Tông kế vị, phong ông làm “Lũng Tây Quận Công” 陇西郡公. Ngày mùng 7 tháng 7 năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国 thứ 3 (năm 978), Lí Dục bị Tống Thái Tông ban cho uống khiên cơ dược 牵机药 mà chết, năm đó ông 42 tuổi, tặng Thái sư 太师, phong Ngô Vương 吴王, táng tại Bắc Mang sơn 北邙山 ở Lạc Dương 洛阳. Sử chép rằng, khiên cơ dược là một loại độc dược mạn tính, chất độc phát ra khiến đầu và chân co rúm lại giống như hình dạng “khiên cơ” 牵机 (1), cho nên có tên như thế.

Chú của người dịch

1- Khiên cơ 牵机:  một số tư liệu suy đoán rằng, “cơ” chỉ khung dệt, “khiên cơ” 牵机 chỉ mảnh trúc hoặc mảnh gỗ ở phần trên có dạng cong dùng để dẫn sợi khi dệt.

                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                       Quy Nhơn 21/11/2020

Nguyên tác Trung văn

NAM ĐƯỜNG HẬU CHỦ LÍ DỤC VONG QUỐC CHI MÊ

南唐后主李煜亡国之谜

Trong quyển

TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ

中国未解之谜

Tác giả: Hải Tử 海子

Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post