TRỊNH BẢN KIỀU “LƯU KHẨU PHẠN”
Trịnh Bản Kiều 郑板桥 trong
nhóm Dương Châu bát quái 扬州八怪 (1) trước khi đến Dương Châu 扬州
đã trú tại Tô Châu 苏州. Tại đầu phía đông ngõ Đào Hoa 桃花 thành
Tô Châu ông mở một gian nhà vẽ tranh bán tranh để sống. Đầu phía tây ngõ Đào
Hoa cũng có một gian nhà vẽ tranh, chủ nhân tên là Lữ Tử Kính 吕子敬. Lữ Tử Kính sở trường vẽ hoa mai, hoa mai mà ông vẽ:
Viễn khán hoa ảnh động
Cận văn hữu hoa hương
远看花影动
近闻有花香
(Từ xa nhìn thấy bóng hoa lay động
Đến gần dường như ngửi được mùi hương)
Hoa
mai vẽ như thật.
Tại Tô Châu, Trịnh Bản Kiều vẽ trúc,
các loài điểu thú côn trùng cùng sơn thuỷ, mà không vẽ hoa mai. Hoa mai là loại
mà Lữ Tử Kính chuyên vẽ, ông tự cho mình vẽ không bằng, cho nên ẩn dấu cái vụng.
Bình thường, nếu có người nhờ Trịnh Bản Kiều vẽ hoa mai, ông luôn khiêm tốn cười
nói rằng:
- Hoa
mai tôi vẽ thua xa Lữ tiên sinh. Nào đi, tôi đưa ông đến tìm Lữ tiên sinh nhờ vẽ
cho.
Quả thực, Trịnh Bản Kiều dẫn người mua
tranh đến đầu phía tây ngõ Đào Hoa tìm Lữ tiên sinh, nói ông ấy bán một bức
tranh hoa mai, được một ít bạc vụn để có cơm cháo nuôi cả nhà. Lữ Tử Kính là vị
Tú tài thi rớt, thân mang bệnh tật, trên còn cha mẹ già, dưới có vợ và con, cuộc
sống rất khó khăn. Hoa mai ông vẽ tuân theo thủ pháp tả thực, vẽ sinh động như
thực, mỗi cánh mai đều hiển hiện sức sống. Trịnh Bản Kiều luôn đánh giá cao
tranh của Lữ Tử Kính trước mặt mọi người, tán dương rằng:
- Hoa
mai mà Lữ tiên sinh vẽ, tôi có học thêm mười năm nữa cũng chưa chắc vẽ đã đạt đến
trình độ này.
Có một viên Lại bộ Thượng thư về dưỡng
lão tại quê nhà, tinh thông hàn
mặc,
sức giám thưởng rất cao, thấy thư pháp và tranh vẽ của Trịnh Bản Kiều đều là loại
cực phẩm, bèn ra đề tài “Mai hoa u cốc độc tự hương” 梅花幽谷独自香, bỏ ra 50 lượng bạc, đích thân đến chỗ Trịnh Bản Kiều nhờ ông vẽ. Trịnh
Bản Kiều từ chối, nói rằng:
- Thượng
thư đại nhân! Nói đến hoa mai thì Lữ Tử Kính tiên sinh vẽ rất đẹp. Nói như vậy,
hoa mai mà ông ấy vẽ đáng 50 lượng bạc, tranh tôi vẽ chỉ đáng 5 lượng mà thôi.
Lão Thượng thư sau khi nghe qua, liền
cầm tiền đi nhờ Lữ Tử Kính.
Ngày tháng qua đi, Trịnh Bản Kiều trú
tại Tô Châu đã 3 năm, chuẩn bị dời đến Dương Châu. Trước khi đi, Lữ Tử Kính đến
đưa tiễn. Văn nhân khi đưa tiễn, đều làm thơ tặng cho nhau. Hoạ hữu khi chia
tay, đương nhiên cũng dùng sắc màu tống biệt. Lần này, Trịnh Bản Kiều lại tặng
Lữ Tử Kính một bức hoa mai.
Trịnh Bản Kiều bày ra giấy bút, bút chạy
trên giấy, từ sâu đến cạn, vẽ ra một thân cây mai xanh xanh chấm chấm xen những
khoảng trắng làm chính. Khi vẽ hoa, dùng mực đậm nhạt thích hợp, chỗ nhẹ chỗ nặng,
cánh hoa dùng mực nhạt điểm xuyết trực tiếp, khi nước mực chưa khô, dưới phần đầu
cánh hoa dùng bút khô thấm hoá. Như vậy bức hoạ hiển hiện hoa mai tươi đẹp, bút
pháp trôi chảy, thần thái bay bổng. Nhìn toàn bộ kết cấu, chỉ có ba bốn đoá hoa
vẽ rõ ràng, còn lại đều mơ mơ hồ hồ, quả thực có ý cảnh:
Xúc mục hoành tà thiên vạn thụ
Thưởng tâm chỉ hữu tam ngũ đoá
触目横斜千万树
赏心只有三五朵
(Mắt thấy xiên ngang ngàn vạn cây
Lòng vui chỉ có năm ba đoá)
Lữ Tử Kính xem qua bức hoa mai của Trịnh
Bản Kiều, thẫn thờ kinh ngạc. Ông ngập ngừng cả buổi mới nói:
- Trịnh
huynh tài vẽ hoa mai cao siêu như thế, sao không chỉ giáo cho tôi sớm?
Trịnh Bản Kiều bình tĩnh nói:
- Sợ Lữ Tiên
sinh khiêm tốn, không chịu vẽ hoa mai nữa, thì tiền thù lao có được sẽ bị ít đi
rất nhiều.
Lúc bấy giờ, Lữ Tiên Sinh mới hiểu ra,
cảm kích nói rằng:
- Sở dĩ Trịnh huynh không chịu vẽ hoa mai là vì để cho tiểu đệ có được bát cơm.
Chú của người dịch
1-
Dương Châu bát quái 扬州八怪: gọi chung một
nhóm gồm 8 thư hoạ gia có phong cách tương cận hoạt động ở khu vực Dương Châu
vào giữa đời Thanh, cũng còn gọi là
Dương Châu hoạ phái 扬州画派.
Về 8 thư hoạ gia này, trong lịch sử hội
hoạ Trung Quốc có nhiều thuyết khác nhau, trong đó có một thuyết tương đối được
nhiều người công nhận, gồm: Kim Nông 金农, Trịnh Nhiếp 郑燮, Hoàng Thận 黄慎, Lí Thiện 李鱓, Lí Phương Ưng 李方鹰,
Uông Sĩ Thận 汪士慎, La Sính 罗聘, Cao Tường 高翔.
Nguồn http://baike.baidu.com/subview/2326/4987555.htm
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/10/2020
Nguồn
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.