Dịch thuật: Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương (452) ("Truyện Kiều")

 

TRĂM NĂM TẠC MỘT CHỮ ĐỒNG ĐẾN XƯƠNG (452)

          Chữ đồng: tức “đồng tâm”, ở đây ý nói cùng một lòng yêu nhau.

Trong Kinh Dịch phần Hệ từ thượng có câu:

Nhị nhân đồng tâm, kì lợi đoạn kim; đồng tâm chi ngôn, kì xú như lan.

二人同心, 其利斷金; 同心之言, 其臭如蘭

          (Hai người mà đồng lòng thì sức mạnh có thể chặt đứt kim loại; lời nói mà đồng lòng thì thơm như hoa lan)

          Ngoài ra còn có các từ “chén đồng”, “dải đồng” cũng biểu thị ý như ở câu 452 này.

Tóc tơ căn vặn tấc lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

(“Truyện Kiều” 451 – 452)

Tông đường chút chửa cam lòng

Cắn răng, bẻ một chữ đồng làm hai

(“Truyện Kiều” 1953 – 1954)

Chữ đồng: Tức là chữ đồng tâm, mối đồng tâm.

 (Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Dải đồng: tức “đồng tâm đới” 同心帶 hoặc “đồng tâm kết” 同心結. Ý chỉ sợi tơ hoặc sợi gấm có thắt nút “đồng tâm”. Thơ cổ thường dùng “đồng tâm đới”, “đồng tâm kết” làm vật tượng trưng chỉ đôi nam nữ yêu nhau. Thành ngữ “Vĩnh kết đồng tâm” 永結同心 là câu chúc phúc dùng trong hôn nhân, trong cuộc sống, biểu đạt tâm ý của đôi vợ chồng vĩnh viễn tương thông, luôn hiểu nhau, luôn nương tựa vào nhau.

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 452 là:

Trăm năm tạc một chữ đồng TÀNG xương

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 23/10/2020

Previous Post Next Post