Dịch thuật: Thứ sử

 

THỨ SỬ 

          Quan sử 官史. Đời Tần thiết lập “Giám sát ngự sử” 监察御史, chưởng quản giám sát các quận. Thời Tây Hán phế bỏ chế độ này, đổi sang do Thừa tướng phái người đến các châu, tổng cộng có 13 người, nhưng chế độ này không thường đặt ra. Năm Nguyên Phong 元封 thứ 5 đời Vũ Đế 武帝 (năm 106 trước công nguyên), ban đầu lập “Bộ thứ sử” 部刺史, “Chưởng phụng chiếu điều sát châu” 掌奉诏条察州, tức “Thứ sử” 刺史, căn cứ quy định của lục điều giám sát các châu, xưng là “Lục điều vấn sự” 六条问事. Năm Tuy Hoà 绥和 nguyên niên đời Thành Đế 成帝 (năm 8 trước công nguyên), lại đổi tên gọi “Thứ sử” 刺史 sang “mục” , thông xưng là “Châu mục” 州牧. Đến năm Kiến Bình 建平thứ 2 đời Ai Đế 哀帝 (năm 5 trước công nguyên), lại đổi cách gọi, đem các vùng quy hoạch làm 12 châu, mỗi châu đặt 1 “Thứ sử”. Các châu thường vào tháng 8 tuần hành các bộ thuộc quyền quản lí của mình, ghi chép danh sách tù phạm, cùng những chính tích về đạo hiếu. Cuối năm đến kinh đô tấu sự, sau đổi phái Thướng kế lại 上计吏 (1) đến kinh tấu sự. Thời Linh Đế 灵帝, khởi nghĩa nông dân các nơi nổ ra, để tăng cường trấn áp, triều đình vào năm Trung Bình 中平 thứ 5 (năm 189) đổi “Thứ sử” 刺史 làm “mục” , thường phái đại thần như Cửu khanh xuất lĩnh “Châu mục” 州牧, quyền thế rất lớn, địa vị cao hơn so với “Quận thú” 郡守, nắm giữ đại quyền quân chính của một châu. Từ thời Tam Quốc đến thời Nam Bắc Triều, các châu đa phần cũng thiết lập “Thứ sử” 刺史, nhìn chung lấy “Đô đốc” 都督 kiêm nhiệm. Sau đời Tuỳ, “Thứ sử” 刺史 là vị trưởng quan hành chính của một châu. Chỉ có thời của Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝 và Đường Huyền Tông 唐玄宗 từng 2 lần đổi châu làm quận, đổi “Thứ sử” 刺史 làm “Thái thú” 太守, chẳng bao lâu lại theo như trước. “Tiết độ sứ” 节度使, “Quan sát sứ” 观察使 thời Đường kiêm lãnh “Thứ sử” 刺使trú tại châu nơi đó, “Thứ sử” của các châu thuộc quyền quản lí đều là thuộc quan của mình, chức vị của “Thứ sử” tương đối nhẹ. Đời Tống, lấy triều thần sung làm “Tri châu” 知州, xưng là “Quyền tri quân châu sự” 权知军州事, nhưng nguyên danh không dùng nhiều. Đời Thanh lấy “Thứ sử” 刺史làm biệt xưng của “Tri châu” 知州, có khác với “Thứ sử” 刺史của các đời trước.

Chú của người dịch

1- Thướng kế lại上计吏: Quan danh, quan viên địa phương cuối năm được phái đến trung ương đệ trình sổ sách thống kê, báo cáo tình hình của địa phương mình, từ lương thực tồn kho, khẩn điền, thuế khoá, hộ khẩu ...

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 24/10/2020

Nguồn

TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC

中国古代文化常识

Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅

                  Đào Tịch Giai 陶夕佳

                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波

Tam Xuân xuất bản xã, 2008

Previous Post Next Post